Thuốc nam Chăm Pabblap
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Thuốc nam Chăm Pabblap
Mục lục
Địa chỉ di sản

GIỚI THIỆU

Mối liên kết với một mảnh đất có thể được thể hiện bằng hiểu biết mà con người có được với sản vật của nó. Tại Ninh Thuận, người Chăm biết mảnh ruộng Hamu Crauk cứ mỗi năm sẽ tái tạo lại lớp đất sét dưới bề mặt khoảng một, hai năm một lần. Họ biết cách tìm được những mạch nước chảy ngầm dưới cồn cát trắng. Họ biết ở trong rừng những loài tầm gửi sẽ có dược tính khác nhau khi cộng sinh cùng những cây khác nhau. Những hiểu biết không qua nghiên cứu chứng minh mà được xây dựng bằng sự chú tâm quan sát, truyền từ đời này sang đời khác.

Nhờ mối liên kết đó mà làng thuốc nam Chăm Pabblap ra đời. Tên hành chính là làng Phước Nhơn, Pabblap có truyền thống lấy cây thuốc, chế biến và bốc thuốc nam Chăm với hơn tám mươi phần trăm dân làng dựa vào cách sinh kế này. Thuốc nam Chăm là những thực vật mọc tự nhiên quanh làng và mọc hoang trong rừng, được nhiều thế hệ Chăm nhận diện và hệ thống bằng kiến thức cổ truyền để chế biến thành bài thuốc. Hiện trong làng có hàng trăm hội viên Đông y sĩ có giấy phép hành nghề qua các lớp tập huấn chế biến dược liệu từ thiên nhiên.

Nhưng tại ngay làng Pabblap, việc trồng cây thuốc vẫn là một ngoại lệ. Trong khoảng 1,8 héc ta đất ngay dưới chân núi Phước Trung là một rẫy thuốc như thế của chú Kiều Tìm, là nơi chú đang lưu giữ và sưu tầm trên dưới ba mươi giống cây có dược tính cao được sử dụng trong những bài thuốc Chăm. 

Chú Kiều Tìm chia sẻ:

“Chọn đất này vì đi tới khoảng 15 phút thôi là tới rừng rồi, cây thuốc nó ở trên rừng mà, phải là đất rừng thì nó mới lớn lên đúng kiểu. Hai năm trước chú lên đây, đất dưới chân núi không có một cái gì ngoài đá tảng. Ai nhìn cũng ngán, kêu là không trồng được gì đâu, bỏ đi. Nhìn qua chỗ đám bò đang gặm cỏ kia là biết. Có rừng đó, nhưng rừng còi cọc. Vậy mà giờ mọi người lên rẫy là ngạc nhiên lắm. Ba năm nữa thôi, chỗ này sẽ thành vườn rừng, xanh mát hết, không thấy nắng nữa.” 

Chú Tìm biết tìm thuốc, biết làm thuốc, biết bốc thuốc. Chú đi bán thuốc với ông bà mình từ lúc sáu, bảy tuổi. Đi dạo trong rẫy, chú nhìn vào cây cỏ như nhìn vào một kho tàng, cây này chữa đau đầu, cây này tốt cho xương khớp, cây này dùng hạt, nhưng rễ thì độc, cây này ngâm rượu thì mới phát huy được hết công năng. Nhưng để trở thành một người trồng thuốc, chú Kiều Tìm phải nghĩ theo cách khác.

“Chú đang lấy ngắn nuôi dài. Giờ rẫy thì xanh đó, nhưng rau màu, cây trái thì nhiều, còn với thuốc, mình phải chờ. Tìm cây về, trồng thử, chờ coi nó có hợp đất không, mà mình không được tác động hoá chất gì tới nó. Cây nào dễ mọc thì yên tâm rồi, mình để yên nó cũng sống, còn cây nào mang nguyên đất từ rừng xuống, chú cũng hồi hộp, không dám đi đâu, đợi tới khi nó bắt rễ, mình mới dám thở, cũng phải ba bốn lần mới xong. Chú muốn làm cái vườn này lên, rồi trong làng có ai cần trồng, chú sẽ đem cho.”

Bộ tư liệu này giới thiệu một số loại thực vật hiện đang được ươm trồng tại rẫy thuốc của chú Kiều Tìm, xuất hiện phổ biến trong các bài thuốc của người Chăm. Theo chú Kiềm Tìm, làm thuốc là khi ta nhìn vào cây, ta biết chúng sẽ giúp người như thế nào. Trồng thuốc là khi ta nhìn vào cây, ta đặt câu hỏi chúng sẽ sống như thế nào. Những cây thuốc khi trước mọc hoang đang bắt rễ ở một nơi chốn khác, vì có ai đó quyết định sẽ nghĩ tới tương lai cho chúng, cho những người sẽ cần đến chúng sau này.

Những câu chuyện và kiến thức về thuốc nam Chăm Pabblap được chú Kiều Tìm, làng Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận giới thiệu. Chú học được rất nhiều về cây thuốc và cách làm thuốc, bốc thuốc từ ông bà cha mẹ chú. Mẹ chú là Thành Thị Sử cũng là một nghệ nhân thuốc nam lâu năm. Con gái chú là Kiều Maily đang học những hiểu biết về cây thuốc và nghề làm thuốc của chú, và còn ghi chép lại những hiểu biết này và làm thơ về nghề thuốc Nam của người Chăm. 

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.

HÌNH ẢNH

Phun nhjam kagiak – Cây bù ngót rừng

Cây mọc thành bụi. Dùng lá và rễ làm dược liệu. Có tác dụng thanh lọc cơ thể, giải độc, thanh nhiệt. Lá bù ngót rừng có thể nấu canh, tăng cường hệ miễn dịch.

Kok Chok Chak – Cây chè vằng

Cây thân thảo, mọc hoang thành bụi. Dùng cành và lá để làm thuốc. Cây chè vằng có tác dụng chữa các bệnh lý liên quan đến kinh nguyệt, bệnh ngoài da, phong thấp, đau nhức xương khớp.

Phun Lamưngei thang – Cây chùm ngây

Cây thân gỗ, phát triển nhanh. Dùng lá, rễ, vỏ cây, quả, hạt và gôm nhựa từ thân cây làm dược liệu. Các bộ phận của cây chùm ngây chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, giúp cung cấp lượng lớn vitamin, chất đạm, acid amin và nhiều hoạt chất chống oxy hóa. Trong khuôn viên nhà người Chăm có hai loại cây không thể thiếu là cây chùm ngây và cây me. Lá, hoa chùm ngây dùng để nấu canh hoặc luộc, trái non dùng trong món kho. Cây chùm ngây chịu hạn tốt, có thể để lâu ngày không cần tưới nước. Người làng Pabblap luôn có sẵn cây chùm ngây trong nhà để khi cần thì sử dụng ngay.

Phun bamưk – Cây cỏ xước

Cây thân thảo, mọc hoang, sống lâu năm. Người dân nhổ nguyên cây cả rễ rồi rửa sạch, thái đoạn ngắn, có thể dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần. Cỏ xước mọc dại, chịu hạn cao, phát triển nhanh, chỉ cần người hoặc trâu bò đi qua là hạt tự dính trên áo hoặc da rồi phân tán ra nơi khác.

Phun chuk – Cây ngũ sắc, còn gọi là cây nho rừng hay cây tứ quý

Cây thân thảo, mọc dạng bụi, hoa mọc thành chùm nhiều màu sắc rực rỡ. Dùng lá, hoa, rễ làm dược liệu, quả ăn được. Cây ngũ sắc lấy về cắt thành lát mỏng, phơi rồi sao qua lửa, kết hợp với những vị thuốc khác để sắc thành bài thuốc.

Nhau – Cây nhàu

Cây gỗ nhỏ, mọc đứng, có thể cao từ bốn đến tám mét. Cây nhàu có nhiều công dụng, cả lá, rễ quả đều được dùng làm dược liệu, đặc biệt rễ nhàu rất có ích trong chữa trị cao huyết áp và đau nhức. Trái nhàu có mùi khai đặc biệt, khi chín màu vàng, chứa cơm mềm, ăn được hoặc dùng ngâm rượu uống.

Phun njam jak – Cây xáo tam phân

Cây thân gỗ nhỏ, mọc dạng dây leo, thân và cành có nhiều gai nhọn. Các bộ phận của cây đều có tinh dầu mùi thơm dịu, tập trung nhiều nhất ở rễ. Cây xáo tam phân được bào chế kết hợp với những vị thuốc khác giúp ức chế ung thư, viêm gan và bồi bổ sức khoẻ. Xáo tam phân trước mọc rất nhiều trên rừng gần làng, giờ chỉ có những vùng núi xa mới còn vì đã bị khai thác gần như cạn kiệt.

Chân dung người trồng và hái thuốc nam Chăm Pabblap

VIDEO

Video cây thuốc nam Chăm Pabblap

Đang tải thêm
Bài viết này hữu ích không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
DSC_5549
Nghi lễ cắt tóc của người Chăm Bà-ni
Hình ảnhVideo
untitled (21 of 21)
Hoa văn thổ cẩm làng Chakleng (làng Mỹ Nghiệp)
giếng cổ
Giếng cổ làng Cwah Patih (làng Thành Tín)
untitled (16 of 39)
Các văn bản Chăm cổ
untitled (15 of 17)
Bài hát và múa trong nghi lễ của người Chăm 
ẩm thực
Ẩm thực truyền thống Chăm
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập