Nghi lễ cắt tóc của người Chăm Bà-ni
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Nghi lễ cắt tóc của người Chăm Bà-ni
Mục lục
Địa chỉ di sản

GIỚI THIỆU

Khi đạo Hồi (Islam) du nhập vào cộng đồng Chăm, người Chăm đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng để biến cải tôn giáo này thành đạo Bà-ni. Người Chăm theo đạo Bà-ni, còn gọi là Chăm Bà-ni, biến tháng lễ Ramadan thành lễ Ramưwan, bên cạnh việc thờ Allah vẫn giữ tục thờ cúng ông bà tổ tiên và một số vị thần khác. Người Chăm Bà-ni quan niệm, khi sinh ra, ai cũng là người Chăm, nhưng đến một độ tuổi nhất định, con người phải nhập đạo Bà-ni để trở thành người Chăm Bà-ni chính thức. Dịp nhập đạo đó được gọi là lễ trưởng thành. Đặc biệt với chế độ mẫu hệ, lễ trưởng thành của nữ giới mang tầm quan trọng đặc biệt, khẳng định vị trí của cô gái trong cộng đồng với quyền quyết định hôn sự của chính mình. Các bé gái Chăm Bà-ni khi chuẩn bị dậy thì, tầm 10-12 tuổi, sẽ được gia đình tổ chức lễ Karơh, lễ cắt tóc, nhằm đánh dấu cột mốc quan trọng này trong đời.

Lễ Karơh diễn ra trong ba ngày, do gia đình của một bé gái chủ động tổ chức. Khi đó, các sư cả được mời chủ trì lễ, đại diện cho hệ thống chức sắc tôn giáo. Về phần cộng đồng, các bé được hướng dẫn và theo sát bởi Muk Buh, là bà đơm, một người phụ nữ lớn tuổi có uy tín trong làng. Dù là một gia đình đứng ra tổ chức, lễ Karơh sẽ tập hợp các bé gái khác trong cùng độ tuổi và dòng họ để thực hiện theo nhóm. Bên cạnh các bé gái khi hành lễ luôn phải có một bé trai làm vai trò Po Ladhi, để cân bằng tính nam – nữ trong buổi lễ.
Sinh ra con gái được người Chăm coi như là một phước lành. Người phụ nữ nắm giữ đất đai, của cải, tài sản trong gia đình, người nam được kết hôn sẽ về nhà vợ ở rể. Con cái trong nhà đi theo họ mẹ. Trong lễ Karơh, các bé gái được chuẩn bị với trang phục và trang sức, học cách hành lễ theo quy cách truyền thống, bắt đầu cảm nhận được trách nhiệm xã hội của bản thân nhưng đồng thời luôn được quan sát và hỗ trợ bởi bạn bè và các bà các mẹ trong gia đình.

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.

HÌNH ẢNH

Nghi lễ cắt tóc

Nhân vật vô cùng quan trọng trong lễ Karơh là Muk Buh, người sẽ hướng dẫn các thủ tục hành lễ cho các bé trong suốt ba ngày thực hiện Karơh. Mỗi làng chỉ có một Muk Buh, được tất cả mọi người bầu chọn và tin tưởng.

Nghi thức khai lễ

Muk Buh đang thực hiện nghi thức khai lễ và đong gạo trong ngày khai lễ. Gia đình sau sẽ dùng gạo này để nấu nướng các loại bánh cúng dùng trong ba ngày tới. Bánh ít và bánh xôi chè là hai loại bánh chủ đạo trong Karơh.

Hấp bánh ít

Các bà các cô đang gói và xếp bánh ít vào xửng hấp.

Bánh xôi chè

Bánh xôi chè được làm từ gạo nếp. Khi bánh được hấp chín, người ta đổ bánh ra nia lớn, ép đều rồi rắc mè trắng rang vàng lên mặt. Nia bánh được cắt theo từng miếng hình vuông hoặc hình thoi tuỳ thích.

Ngày nhập lễ Pahdan papah

Ngày nhập lễ Pahdan papah, các bé được người thân chăm sóc chuẩn bị trang phục và trang sức hành lễ. Mỗi bé sẽ có một cỗ bồng trầu để đựng vật lễ trầu cau.

Hành lễ Karơh

Chờ nghe Muk Buh sắp xếp thứ tự ngồi hành lễ. Karơh thường được tổ chức theo nhóm, khoảng từ sáu đến mười bé. Con gái gia đình tổ chức lễ luôn được đặt hàng đầu tiên, sau đó sẽ sắp xếp theo độ thân cận của các bé khác.

Các bé mặc lễ phục

Các bé được mặc trang phục truyền thống đúng theo nghi lễ, gồm khăn nhjam, áo dài trắng và aban. Tóc được búi cao, trên cổ và tay đeo nhiều trang sức quý, thể hiện sự đầy đủ của gia đình.

Nghi lễ Karơh

Sau khi được mặc trang phục truyền thống cho nghi lễ, các bé được dặn dò phải cẩn thận, không được tuỳ tiện ra ngoài đùa giỡn. Lễ Karơh được thực hiện khi các bé sắp dậy thì, chưa có kinh nguyệt, tầm từ bảy đến 12 tuổi.

Đến địa điểm làm lễ tẩy trần

Sau khi thay trang phục xong, Muk Buh dẫn các bé đến suối hoặc mương gần nhà để tắm làm lễ tẩy trần, làm trôi đi những điều xui xẻo và giữ lại những gì tốt đẹp để chuẩn bị cho việc trở thành thiếu nữ.

Lễ tẩy trần

Khi làm lễ tẩy trần, các bé kéo váy aban cao quá ngực. Muk Buh vừa dội nước vừa đọc lời cầu nguyện.

Lễ thắp nến dâng trầu

Sau khi xong lễ tẩy trần, chiều tối Muk Buh sẽ hướng dẫn nhóm sắp xếp lễ vật vào cỗ bồng trầu gồm trầu, cau, vôi, thuốc. Lúc này, các bé làm lễ thắp nến dâng trầu, mời tổ tiên về tham dự và chứng kiến con cháu mình trải qua lễ trưởng thành. Lễ thắp nến dâng trầu này đã được lược bỏ tại Ninh Thuận, chỉ thực hiện ở cộng đồng Chăm tại Bình Thuận.

Lạy tổ tiên

Đến đêm thứ hai trong Karơh, các bé ở lại cùng nhau học cách lạy tổ tiên theo tập tục truyền thống. Quá trình lạy diễn ra trong nhiều bước, với nhiều cử động cần thực hiện đúng nên cần thời gian tập dượt.

Hành lễ Harei dwei

Ngày hành lễ Harei dwei. Trong ngày lễ chính này, các bé chính thức được công nhận vào đạo Bà-ni, được ban cho một cái tên mới đi theo suốt cuộc đời.

Lễ tẩy trần sau ngày hành lễ

Sáng ngày hành lễ, các bé lại được muk Buh dẫn đi làm lễ tẩy trần lần cuối.

Bê cỗ bồng trầu

Sau khi về, mỗi bé tự bê cỗ bồng trầu của mình mang vào đặt trong rạp lễ phụ.

Em bé trong bộ lễ phục

Chân dung em bé trong bộ lễ phục hoàn chỉnh, chuẩn bị hành lễ.

Chuẩn bị hành lễ

muk Buh dẫn các bé đi theo thứ tự vào rạp lễ chính. Con gái gia đình tổ chức lễ sẽ đi đầu, tiếp theo là các bé khác, xét theo độ thân cận với gia đình chủ lễ.

Rạp lễ chính

Vào rạp lễ chính, con gái gia đình tổ chức lễ được mặc trang phục đặc biệt màu vàng để dễ phân biệt.

Chủ trì buổi lễ chính

Ông Po Gru hay Ông Imưm sẽ chủ trì buổi lễ chính trong rạp.

Nghi thức hành lễ

Các bé được đặt một hạt muối vào miệng, dùng kéo cắt một ít tóc (tượng trưng), rồi uống một ngụm nước và tuần tự quỳ lạy ba vị chủ lễ.

Bé trai Po Ladhi

Bé trai đóng vai Po Ladhi trong buổi lễ.

Cầu nguyện phước lành

Phía sau các bé là các bà, các mẹ trong dòng họ chắp tay cầu nguyện cho các bé được nhận nhiều phước lành.

Dùng cơm trong lễ cúng

Các cô bé trở vào rạp phụ nghỉ và dùng cơm trong lễ cúng, mỗi bé sẽ được một mâm cơm với đầy đủ vị: Ngọt, cay, lạt, chua.., được Muk buh ban lộc bằng nửa con gà luộc.

Hành lễ tạ ơn sư Cả

Sau bữa ăn, các bé quay lại rạp chính lạy tạ ơn các sư Cả lần cuối. Sau lễ Karơh, các bé có quyền được tự quyết định cuộc sống của mình, chính thức là đứa con của người Bà ni.

Dòng họ, người thân gia đình tặng quà

Bên ngoài rạp, bà con dòng họ, người thân bạn bè của gia đình sẽ để lại những món quà, xem như lời chúc phước lành cho các bé, có thể được dành làm của hồi môn trong tương lai. Quà có thể là tiền bạc, gia súc hoặc Khơn Njram, váy Aban đúng với truyền thống.

Chân dung những nhân vật quan trọng trong Nghi lễ cắt tóc

VIDEO

Video phỏng vấn

(Cách viết các từ địa phương trong ghi chép này là theo cách những người địa phương tự phiên âm ra tiếng phổ thông (tiếng Việt) theo cách họ phát âm. Điều này có nghĩa là có thể có những cách phiên âm khác nhau và không cùng theo một quy chuẩn chung.)

Đang tải thêm
Bài viết này hữu ích không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
untitled (21 of 21)
Hoa văn thổ cẩm làng Chakleng (làng Mỹ Nghiệp)
Hình ảnhVideo
giếng cổ
Giếng cổ làng Cwah Patih (làng Thành Tín)
untitled (16 of 39)
Các văn bản Chăm cổ
untitled (15 of 17)
Bài hát và múa trong nghi lễ của người Chăm 
untitled (4 of 52)
Thuốc nam Chăm Pabblap
ẩm thực
Ẩm thực truyền thống Chăm
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập