Di sản âm nhạc Ê đê, Kon Tum
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Di sản âm nhạc Ê đê, Kon Tum
Mục lục
Địa chỉ di sản

GIỚI THIỆU

Đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và tộc người Ê đê Kpă nói riêng được sinh ra và lớn lên trong môi trường tự nhiên tràn đầy nhạc tính. Những âm thanh của tự nhiên như tiếng suối chảy, tiếng gió thổi, tiếng chim hót… được họ tìm cách tái hiện qua việc sáng tạo các nhạc cụ. Âm nhạc của họ gắn với các không gian tương tác trong cộng đồng. Sự hiện hữu của âm nhạc trong đời sống của người dân ở Tây Nguyên từ xa xưa đã được tìm thấy trong những câu chuyện truyền miệng về nguồn gốc ra đời các nhạc cụ.

Theo sự tích Đïng năm, do Lý Vân Linh Niê Kdam sưu tầm:

Người phụ nữ đi rẫy, uống nước ở một hốc đá, về có thai, sinh được sáu chị em, ba trai, ba gái. Hàng ngày gia đình luôn quấn quýt bên nhau làm rẫy, vui đùa. Vì chúng giống nhau khó phân biệt, cha đem về 6 ống nứa dài ngắn, chia cho mỗi con một ống để phân biệt ai anh, chị, ai em.

Ngày cha mẹ già qua đời, khóc mệt, mỗi anh chị em mang ống nứa của mình ra thổi suốt ngày đêm. Thấy anh chị mệt lử, người em út liền lấy một trái bầu, cắm 6 chiếc ống nứa thành hai hàng theo thứ tự ý nghĩa: 3 ống hàng trên là của ba chị em gái, 3 ống hàng dưới là của 3 anh em trai. m thanh dìu dặt của sáu ống nứa qua chiếc bầu càng trở nên du dương. Từ đó có đám ma nào trong buôn, người em trai út cũng mang đến thổi để tỏ lòng thương tiếc. Tên gọi Đïng năm theo tiếng Ê đê nghĩa là 6 ống.”

Những biến chuyển xã hội và giao thoa văn hoá tại vùng đất Tây Nguyên trong những thập niên qua đang đẩy dần nền âm nhạc truyền thống vào quá khứ. Nhưng âm nhạc truyền thống của dân tộc Ê đê Kpă vẫn đang được tiếp diễn bởi một nhóm nghệ nhân đang sinh sống tại buôn Akǒ Siêr, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Dak Lak. Từ những năm 1970, các chú bác như Y Mip Ayun, Y Duê Niê, Y DHữ Niê, Y Phiơp Ê Ban, và Y B’Lim Niê vừa sưu tầm và lưu giữ các giai điệu phổ biến từ người đi trước còn nhớ được, vừa chế tác lại các nhạc cụ này bằng các phương pháp chế tác truyền thống và các vật liệu gốc như tre, nứa, vỏ quả bầu khô, nhằm gìn giữ hệ thống âm giai nguyên bản của âm nhạc truyền thống Tây Nguyên. Những nhạc cụ truyền thống tiêu biểu có thể kể tên như Đïng năm, Đïng tút, Đïng buôt chok, Ky pah, và Đïng tak tar.

Mối quan hệ của cộng đồng Tây Nguyên với âm nhạc truyền thống của họ cũng đang thay đổi. Những kiêng kỵ trong hoàn cảnh diễn tấu âm nhạc truyền thống trong các buôn làng dần biến mất. Trừ những trường hợp như bài Ching đám ma, mỗi khi biểu diễn người đội trưởng phải thay mặt cả đội để xin phép các Yàng – các thần linh, rồi mới diễn tấu bài Ching đó. Âm nhạc Tây Nguyên đang được bổ sung thêm tính biểu diễn để có thể được trình bày trong những khung cảnh khác, dẫn câu chuyện di sản văn hoá giờ đây đi xa khỏi nơi chốn nó bắt đầu.

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.

HÌNH ẢNH

Nghệ nhân chơi nhạc cụ

VIDEO

Đïng năm

Đïng năm được làm từ một trái bầu hồ lô rỗng ruột to bằng quả bóng đá, cùng với hai bè ống nứa, gọi là drao, bịt kín một đầu được sắp xếp thành 3 ống trên, 3 ống dưới, hàn kín mối nối bằng sáp ong ruồi. Trên thân ống nứa khoét các lỗ cao thấp khác nhau để tạo âm thanh. Người chơi thổi hơi vào cuống bầu, phối hợp tay bấm các lỗ trên ống nứa để thay đổi các nốt nhạc, tạo thành giai điệu. Để chơi đïng năm, người nghệ sĩ phải phối hợp nhuần nhuyễn giữa hơi thổi và các ngón tay để cho âm thanh phát ra được chính xác. Đïng năm có thể được chơi theo kiểu độc tấu hoặc đệm nhạc khi hát dân ca arei, là một loại hát nói vần, mang tiết tấu vui tươi, rộn ràng. Bác Y Mip Ayun, thường gọi là Ama Kim có nghĩa là cha của Kim, một người chơi Đïng năm, giải thích: “Các tua rua ở đầu ống nứa là để khi tay đưa kèn qua lại theo điệu nhạc, các tua rua sẽ lắc lư theo, ai nhìn cũng thấy vui mắt”.

Đïng tút

Đïng tút là một bộ nhạc cụ có cách chơi khá đặc biệt, cấu thành bởi năm, sáu ống nứa, gọi là drao, thẳng không khoét lỗ mà có độ dài ngắn khác nhau, cây nhỏ âm cao, cây lớn âm trầm. Mỗi ống sáo chỉ có thể phát ra một âm thanh duy nhất, tuỳ người thổi dùng lưỡi và môi để thổi, nhanh chậm mà tạo thành tiết điệu. Một người dẫn đầu sẽ thổi lên tiết điệu dẫn dắt, mọi người còn lại lắng nghe mà dần thổi hoà theo, tạo thành giai điệu nhịp nhàng. Giai điệu tạo bởi Đïng tút thay đổi tuỳ vào cảm nhận của từng cá nhân để giao hoà thành tổng thể. Vậy nên mỗi người chơi trong dàn đïng tút đều phải có khả năng vừa giữ nhịp vừa tương tác với giai điệu chung. Trong quá khứ, Đïng tút thường được các bà, các cô chơi trong lúc nghỉ ngơi khi đến phụ giúp các đám tang trong buôn. Chú Y Duê Niê, gọi thân mật là Ama Pur, có nghĩa là cha của Pur, kể rằng: “Xưa chỉ có phụ nữ biết thổi Đïng tút, sau khi cơm nước buổi tang xong xuôi, cắt ngang ống nứa thổi chung chia sẻ nỗi buồn với gia đình có người mất. Tôi cũng phải đi hỏi các bà các cô lớn tuổi để biết cách chơi. Giờ mỗi khi trong buôn có đám, tôi lại đi khuyến khích các bà các cô tụ họp thổi Đïng tút trong nhà, để truyền thống mình không bị mất.” Các chú, bác thổi Đïng tút là Y Mip Ayun, Y Duê Niê, Y DHữ Niê, Y Phiơp Ê Ban, và Y B'Lim Niê.

Đïng buôt chok

Đïng buôt chok là một loại sáo dọc làm bằng ống nứa, gọi là drao, có bốn lỗ tạo thành bốn nốt khác nhau, mỗi lỗ cách nhau khoảng hai ngón tay xếp lại, gắn thêm một mảnh nứa nhỏ ở đầu cho dễ thổi. Người chơi thổi Đïng buôt chok theo chiều dọc, hai tay bấm vào các lỗ để biến đổi âm thanh phát ra. Truyện kể rằng, kèn Đïng buôt chok được sinh ra khi một người chồng nghe tiếng gió thổi qua bụi nứa khô bị mọt ăn thủng vài lỗ, nghe như tiếng khóc. Anh muốn thể hiện tình cảm tiếc thương vợ mất sớm, anh lấy đoạn nứa đó vót nhọn, gắn thêm mảnh nứa ở đầu chỗ dễ thổi. Vậy nên tiếng Đïng buôt chok phát ra cũng nỉ non, buồn bã. Từ chok trong tiếng Ê đê có nghĩa là khóc. Đïng buôt chok giờ đây thường được dùng để đệm hát k’ưt, là lối hát nói, dàn trải, không tiết tấu trong dịp hội họp, đặc biệt khi hai bên gia đình nam nữ gặp nhau bàn chuyện kết đôi.

Ky pah

Ky nghĩa là sừng, pah nghĩa là vỗ. Sừng trâu làm Ky pah là sừng từ đầu lâu trâu đã cúng Yàng – các thần linh, được làm thành kèn có lưỡi gà và núm thổi ở ở giữa. Khi chơi Ky pah, người chơi thổi vào giữa kèn, khi muốn thay đổi cao độ sẽ dùng ngón cái tay trái để bịt mở đầu nhọn, dùng bàn tay phải vỗ vào đầu lớn, tạo nên âm thanh vang động không gian. Vì vậy, khi trước người ta kiêng chơi Ky pah trong nhà, sợ kinh động đến thần linh. Bác Y Bhiông Niê, còn gọi là Ama Loan có nghĩa là cha của Loan, hồi tưởng: “Tiếng Ky pah phải được vang vọng trong rừng già, dẫn đầu đoàn người rước gỗ về làng, lùa voi vào nơi bẫy để thuần hoá”. Nay, tiếng Ky pah được kết hợp hoà tấu cùng các nhạc cụ khác, thêm một nét oai hùng vào âm nhạc truyền thống Ê đê Kpă.

Đïng tak tar

Đïng tak tar được làm từ một quả bầu khô nhỏ bằng khoảng nắm tay gắn với một ống nứa có ba lỗ, dài khoảng từ cổ tay đến cùi chỏ. Đïng tak tar được gắn lam tre hay gọi là lưỡi gà, nhỏ bằng móng tay, được rạch 3 đường rồi bẻ thành hình chữ U để gắn vào đầu ống thổi. Âm thanh của Đïng tak tar réo rắt, linh hoạt, vui tươi, thường được thổi trong các dịp lễ hội để khuấy động tinh thần người tham dự. Bác Y Bhiông Niê, còn gọi là Ama Loan có nghĩa là cha của Loan, lý giải: “Lam tre phải làm thật đúng, dày quá rung không hay, mỏng quá thì dễ rách. Phải quen tay, quen tai, làm lam tre gắn vào kèn mới thổi ra đúng tiếng của mình.” Bác Y Mip Ayun, thường gọi là Ama Kim có nghĩa là cha của Kim, kể lại: “Âm thanh Đïng tak tar phóng khoáng, thoải mái, được phỏng theo tiếng chim sáo đen hót trong rẫy, hay được chơi vào dịp vui, không có kiêng kỵ, ai nghe trong lòng cũng thấy vui lây.”

Video phỏng vấn người địa phương

Cách viết các từ địa phương trong ghi chép này là theo cách những người địa phương tự phiên âm ra tiếng phổ thông (tiếng Việt) theo cách họ phát âm. Điều này có nghĩa là có thể có những cách phiên âm khác nhau và không cùng theo một quy chuẩn chung.

Đang tải thêm
Bài viết này hữu ích không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Không có dữ liệu
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập