Đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung và tộc người Ê đê Kpă nói riêng được sinh ra và lớn lên trong môi trường tự nhiên tràn đầy nhạc tính. Những âm thanh của tự nhiên như tiếng suối chảy, tiếng gió thổi, tiếng chim hót… được họ tìm cách tái hiện qua việc sáng tạo các nhạc cụ. Âm nhạc của họ gắn với các không gian tương tác trong cộng đồng. Sự hiện hữu của âm nhạc trong đời sống của người dân ở Tây Nguyên từ xa xưa đã được tìm thấy trong những câu chuyện truyền miệng về nguồn gốc ra đời các nhạc cụ.
Theo sự tích Đïng năm, do Lý Vân Linh Niê Kdam sưu tầm:
“Người phụ nữ đi rẫy, uống nước ở một hốc đá, về có thai, sinh được sáu chị em, ba trai, ba gái. Hàng ngày gia đình luôn quấn quýt bên nhau làm rẫy, vui đùa. Vì chúng giống nhau khó phân biệt, cha đem về 6 ống nứa dài ngắn, chia cho mỗi con một ống để phân biệt ai anh, chị, ai em.
Ngày cha mẹ già qua đời, khóc mệt, mỗi anh chị em mang ống nứa của mình ra thổi suốt ngày đêm. Thấy anh chị mệt lử, người em út liền lấy một trái bầu, cắm 6 chiếc ống nứa thành hai hàng theo thứ tự ý nghĩa: 3 ống hàng trên là của ba chị em gái, 3 ống hàng dưới là của 3 anh em trai. m thanh dìu dặt của sáu ống nứa qua chiếc bầu càng trở nên du dương. Từ đó có đám ma nào trong buôn, người em trai út cũng mang đến thổi để tỏ lòng thương tiếc. Tên gọi Đïng năm theo tiếng Ê đê nghĩa là 6 ống.”
Những biến chuyển xã hội và giao thoa văn hoá tại vùng đất Tây Nguyên trong những thập niên qua đang đẩy dần nền âm nhạc truyền thống vào quá khứ. Nhưng âm nhạc truyền thống của dân tộc Ê đê Kpă vẫn đang được tiếp diễn bởi một nhóm nghệ nhân đang sinh sống tại buôn Akǒ Siêr, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Dak Lak. Từ những năm 1970, các chú bác như Y Mip Ayun, Y Duê Niê, Y DHữ Niê, Y Phiơp Ê Ban, và Y B’Lim Niê vừa sưu tầm và lưu giữ các giai điệu phổ biến từ người đi trước còn nhớ được, vừa chế tác lại các nhạc cụ này bằng các phương pháp chế tác truyền thống và các vật liệu gốc như tre, nứa, vỏ quả bầu khô, nhằm gìn giữ hệ thống âm giai nguyên bản của âm nhạc truyền thống Tây Nguyên. Những nhạc cụ truyền thống tiêu biểu có thể kể tên như Đïng năm, Đïng tút, Đïng buôt chok, Ky pah, và Đïng tak tar.
Mối quan hệ của cộng đồng Tây Nguyên với âm nhạc truyền thống của họ cũng đang thay đổi. Những kiêng kỵ trong hoàn cảnh diễn tấu âm nhạc truyền thống trong các buôn làng dần biến mất. Trừ những trường hợp như bài Ching đám ma, mỗi khi biểu diễn người đội trưởng phải thay mặt cả đội để xin phép các Yàng – các thần linh, rồi mới diễn tấu bài Ching đó. Âm nhạc Tây Nguyên đang được bổ sung thêm tính biểu diễn để có thể được trình bày trong những khung cảnh khác, dẫn câu chuyện di sản văn hoá giờ đây đi xa khỏi nơi chốn nó bắt đầu.
Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.