Tại Đàng Trong, nghệ thuật Hát bội có lẽ xuất hiện vào thế kỷ XVII-XVIII và được các chúa Nguyễn ưa chuộng. Hát bội nêu bật lên tinh thần trung quân, các tiêu chuẩn đạo đức theo triết lý Nho giáo của bậc quân tử như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, vốn thịnh hành từ chốn cung đình cho đến dân gian, với nghệ thuật trình diễn đã đạt sự hoàn thiện. Tả quân Lê Văn Duyệt, một trong những khai quốc công thần nhà Nguyễn, mang theo niềm yêu thích Hát bội vào xứ Gia Định đầu thế kỷ XIX, góp công lưu truyền vở tuồng San Hậu. Đây là vở tuồng thầy gần như kinh điển, có thể áp dụng thành khuôn mẫu cho các vở tuồng đồ lắp ghép và cải biên từ những tích truyện sẵn có được thực hiện sau này. Khi phát triển tại miền Nam, hát bội thoát ra khỏi dạng thức biểu diễn cung đình, trở thành nét nghệ thuật sân khấu dân gian, có những cải biên để hợp với bối cảnh vùng miền và thị hiếu của khán giả.
Hoá trang, hay thường được gọi là dặm mặt hoặc sắm tuồng, cũng là một đặc trưng của nghệ thuật Hát bội, để biểu đạt một cách ước lệ, tượng trưng cho khí chất nhân vật từ đó giúp người xem nhận diện được các gương mặt tương phản như trung quân, gian thần, thiện, ác. Diễn viên trực tiếp vẽ những nét cong lên mặt, khi biểu diễn với hình thức xốc xông, nghĩa là rung cơ mặt, những nét ấy sẽ chuyển động làm phóng đại tính khí, biểu cảm nhân vật một cách tức thời. Màu sắc được dùng trong việc sắm tuồng cũng mang ý nghĩa tương đối, với các màu chủ đạo như đỏ, trắng, xanh lục, đen… để gợi lên nguồn gốc xuất thân hoặc đạo đức của nhân vật.
Nghệ sĩ Hữu Lập là một trong những số người làm nghề vẫn còn nguyên tâm huyết với Hát bội. Ông đã thực hiện một dự án nhằm giới thiệu 16 nhân vật tiêu biểu trong tuồng San Hậu, bổ sung thêm năm mặt tướng tiêu biểu trong các kịch bản Hát bội khác. Tất cả những tác phẩm này được vẽ theo cả hai lối sắm tuồng dạng mặt tướng: những nét đen được vẽ trực tiếp lên mặt kết hợp với biểu tượng đặc trưng, dùng nhiều màu đỏ-xanh lục- trắng diễn tả khí chất nhân vật; và dạng mặt trắng- diễn viên chỉ bôi mặt trắng và trang điểm nhấn mạnh lông mày, mũi và má. Các nhân vật này được thể hiện đúng với nguyên bản trình diễn trên sân khấu, dựa trên kinh nghiệm và ký ức trong hơn 65 năm tuổi nghề. Hoạt động trên nhiều vị trí trong đoàn hát, từ diễn viên đến soạn giả đến dựng tuồng, nghệ sĩ Hữu Lập hiện đang lưu trữ hơn 500 kịch bản tuồng từ xưa đến nay. Ngoài ra ông còn có cuốn sách tự chép tay gần 50 mặt nhân vật trong các kịch bản khác nhau, bảo lưu chi tiết cách vẽ mặt trong nghệ thuật hát Bội miền Nam theo trí nhớ của mình, là tài liệu quý mà các thế hệ nghệ sĩ đi sau còn phải tìm theo để tham khảo.
Tuồng San Hậu xoay quanh câu chuyện sau khi Tề vương băng hà, thái sư Tạ Thiên Lăng chiếm ngôi báu, lập Tiểu Giang San, mưu giết thứ phi Phàn Phụng Cơ đang mang thai cho họ Tề mất người nối dõi. Triều đình nhà Tề chia rẽ thành hai phe, phục Tề là phe chính diện, và phản Tề là phe phản diện, với ranh giới đạo đức của từng nhân vật được xây dựng rất rõ ràng. Ải San Hậu, hay còn gọi là Sơn Hậu, là nơi trận chiến cuối cùng nổ ra giữa hai phe thiện – ác, là cao trào của vở diễn.
Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.