Bài hát và múa trong nghi lễ của người Chăm 
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Bài hát và múa trong nghi lễ của người Chăm 
Mục lục
Địa chỉ di sản

GIỚI THIỆU

Âm nhạc nghi lễ của người Chăm là âm nhạc thiêng. Các chức sắc quan niệm rằng khi những âm thanh của đàn kanyi, của trống paranưng được phát ra, các vị thần linh sẽ về lại trần gian tham dự cùng người phàm. Vậy nên chỉ khi có cuộc lễ diễn ra, khi con người có nhu cầu muốn trình tấu, những tín hiệu âm thanh linh thiêng ấy mới được phát ra. Ong Kadhar là thầy đàn, khi hát lễ luôn bắt đầu với thánh ca Po Inâ Nâgar, nữ thần khai sinh ra quê hương đất nước và kết thúc với tráng ca Po Cei Tathun, vị tướng anh hùng bảo vệ sự bình an của cộng đồng. 

Đối với một số nghi lễ, các giai điệu hát lễ sẽ được đi kèm với những điệu múa đặc trưng. Các điệu múa này được muk Rija là bà bóng tộc họ hoặc muk Pajau là bà bóng làng thực hiện. Điệu múa đơn giản nhưng mang tính gợi hình, liên tưởng đến tín ngưỡng phồn thực dân gian. Điệu hát và múa Halang Halep, tạm dịch là múa úp mở váy được thực hiện trong những lễ cúng của tộc họ nhân dịp dâng lễ thần linh vào mỗi dịp ba năm hoặc bảy năm. Ngày nay hiếm gia đình nào còn tổ chức những lễ này, nên các thế hệ muk RijaPajau sau này không còn nhiều người biết múa. Điệu hát và múa Tamia Mâk Kayau Yau Siam Likei, tạm dịch là múa phồn thực, khác hơn một chút, được muk Pajau cùng một người nam thực hiện theo đôi trong các dịp lễ về nông nghiệp hay lễ cúng đầu năm. Điệu múa này mang tính phồn thực rõ ràng hơn, mô phỏng trạng thái ân ái, cũng để thể hiện mong ước màu mỡ sinh sôi của cả con người lẫn tự nhiên. 

Bài hát và múa trong nghi lễ Chăm được anh Đổng Thanh Danh, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận chọn lựa giới thiệu. Người hát là nghệ nhân, chức sắc Kadhar, thầy kéo đàn kanhi Đàng Công Vĩnh, người thực hiện bài múa là chị Quàng Thị Phô và anh Đổng Minh Tuân, người làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. 

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.

HÌNH ẢNH

Ảnh (chân dung, múa, hát lễ)

VIDEO

Video phỏng vấn

Bài hát lễ Po Inâ Nâgar – Thần mẹ xứ sở

Bài hát lễ Po Inâ Nâgar là bài thánh ca kể tiểu sử, công lao của Thần mẹ xứ sở mà tiếng Chăm gọi là Po Inâ Nâgar. Vị thần được mô tả là tự sinh ra từ cây gỗ quý trầm hương từ thuở khai thiêng lập địa, là người có công lao lớn trong việc khai sinh ra quê hương, đất nước, dạy người Chăm nuôi tằm dệt thổ cẩm, dệt hoa văn, làm nông nghiệp. Bài hát có kết cấu gồm ba phần chính, chưa tính phần ew yang nghĩa là văn khấn mở đầu. Phần đầu đánh thức đàn kanhi với lời ngâm da diết chậm rãi để thỉnh mời thần linh. Phần chính hát về công lao, tiểu sử về cuộc đời sự nghiệp của vị thần với tiết tấu nhanh, hùng hồn. Phần cuối có tiết tấu chậm dần lại với nội dung thỉnh cầu thần linh phù hộ, độ trì cho xóm làng, dân chúng.

Bài Tráng ca Adaoh Po Cei Tathun

Bài hát tráng ca Adaoh Po Cei Tathun là bài hát lễ hát kể ngợi cao công lao, truyền thuyết anh hùng của danh tướng Chăm Po Cei Tathun. Ngài thường gắn với hình ảnh vị tướng quân cỡi ngựa hành quân, cầm vũ khí là roi mây trở về làng. Trong ký ức dân gian, Ngài sau khi chinh chiến trở về làng được dân làng đón rước, mời dùng trà rượu, vị thần được miêu tả là người anh minh thần võ, thần thái tinh anh, khôi ngô tuấn tú. Người có nhiều công lao với quê hương xứ sở, bao lần đánh thắng ngoại xâm bảo vệ đất nước và sự binh an của dân chúng và xóm làng. Bài hát có kết cấu gồm ba phần chính, chưa tính phần ew yang nghĩa là văn khấn mở đầu. Phần đầu đánh thức đàn kanhi với lời ngâm da diết chậm rãi để thỉnh mời thần linh. Phần chính hát về công lao, tiểu sử về cuộc đời sự nghiệp của vị danh tướng với tiết tấu nhanh, hùng hồn. Phần cuối tiết tấu chậm dần lại với nội dung thỉnh cầu vị thần về dự lễ, hưởng lễ vật và chấp nhận sự dâng lễ để phù hộ, độ trì cho xóm làng, dân chúng.

Hát và múa lễ Tamia Halang Halep

Hát và múa lễ Tamia Halang Halep, tạm dịch là múa úp mở váy, là một hình thức múa lễ đặc trưng tiêu biểu nhưng ít xuất hiện trong đời sống tâm linh Chăm. Điệu múa này được thể hiện bởi Muk Pajau hay Muk Rija, là bà bóng. Người múa lễ cầm chiếc váy thổ cẩm múa theo lời nhạc lễ của chức sắc Ong Kadhar, với động tác úp váy và mở váy liên tục với ý nghĩa mời gọi bạn tình trong biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực dân gian nhưng cũng là hình thức múa dâng lễ cho các vị thần linh. Loại hình này kết hợp giữa chức sắc Ong Kadhar hát lễ với giai điệp vui tươi, sôi động kèm với điệu múa nhịp nhàng, thanh thoát của bà bóng. Đây là hình thức kết hợp hát múa mang tính nghệ thuật không chỉ bao gồm hình thức diễn xướng nhạc lễ mà còn kết hợp múa lễ với các động tác, thế tay, nhịp chân mang tính thẩm mỹ và hình tượng sâu sắc – một đặc trưng tiêu biểu cho biểu tượng của âm nhạc thiêng trong nghi lễ của người Chăm. Hát và múa lễ Tamia Halang Halep thường được thực hành trong lễ cúng dòng tộc như Puix hay Payak, là lễ thiết đãi thần linh.

Hát và múa lễ Tamia Mâk Kayau Yau Siam Likei

Hát và múa lễ Tamia Mâk Kayau Yau Siam Likei, tạm dịch là múa phồn thực, là một hình thức múa lễ đặc trưng tiêu biểu nhưng ít xuất hiện trong đời sống tâm linh Chăm. Điệu múa này được thể hiện bởi Muk Pajau hay Muk Rija là bà bóng, kết hợp với một người nam mặc váy, quấn khăn đội đầu, mình để trần. Trong đó, chức sắc nữa sẽ cầm ba cây biểu tượng nhỏ có chóp nhọn như hình tượng dương vật múa lễ sau đó truyền cho người nam múa. Trong lúc đó chức sắc Ong Kadhar sẽ kéo đàn kanhi hát bài lễ minh họa cho bài múa với ý nghĩa miêu tả cảnh tình nhân ân ái, thể hiện ý nghĩa phồn thực thực sâu sắc. Bài múa thể hiện khát vọng sinh sôi nẩy nở, con cháu đầy đàn, lúa thóc đầy bồ của cư dân Chăm làm nông nghiệp lúa nước. Đây là hình thức múa đôi, kết hợp nam và nữ, duy nhất còn được thấy trong nghi lễ của người Chăm. Loại hình múa này gắn liền với một bài hát lễ cũng có nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng, lời văn có tính tục nhưng mang nội hàm dân gian với các ẩn ngữ có tính trần tục, thể hiện tính tự nhiên của lối văn dân gian mang tính phồn thực. Loại hình múa lễ kết hợp diễn xướng hát lễ này là đặc trưng tiêu biểu cho dòng diễn xướng mang tính nhị nguyên – lưỡng hợp trong nghi lễ Chăm.

Đang tải thêm
Bài viết này hữu ích không?

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
DSC_5549
Nghi lễ cắt tóc của người Chăm Bà-ni
Hình ảnhVideo
untitled (21 of 21)
Hoa văn thổ cẩm làng Chakleng (làng Mỹ Nghiệp)
giếng cổ
Giếng cổ làng Cwah Patih (làng Thành Tín)
untitled (16 of 39)
Các văn bản Chăm cổ
untitled (4 of 52)
Thuốc nam Chăm Pabblap
ẩm thực
Ẩm thực truyền thống Chăm
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập