Có thể tìm thấy hoa văn thổ cẩm trên hầu hết trang phục truyền thống của người Chăm. Từ khăn quấn đầu đến đai áo, thắt lưng, cổ tay, diềm váy, đôi khi là cả một chiếc váy dành cho nghi lễ được phủ kín bởi những mô típ màu sắc rực rỡ lấy cảm hứng từ những hình ảnh thân thuộc trong đời sống hằng ngày. Nghề dệt thổ cẩm vốn từ xưa đã có vị trí quan trọng trong nếp nhà Chăm, chủ yếu do người phụ nữ thực hiện, để đóng góp thêm vào kinh tế gia đình. Dấu vết này có thể được tìm thấy qua các tác phẩm văn học dân gian như Ariya Kabbon Muk Thruh Palei – Thơ Bà tổ ấm Quê hương, trích đoạn:
“Anưk thrơm hakak thrơm dwơn
Mưng njơp kabbon mơy dauk dara
Mưng yah khing ngap gruk hit
Thrơm bita-it, thrơm bipagaih
Mơy dwah urang jak ghơh
Mưgru đaum piơh tal hu pathang
Mưgru baik di urang
Tơl hu pathang mơy jwai cakauh…”
Tạm dịch:
“Em tập đong, tập dệt
Mới đúng sách dạy con gái
Khi em muốn tập làm
Gắng tập cho tinh cho thuần thục
Em tìm người khôn khéo
Học cho thuộc đợi lúc có chồng
Nhớ kỹ để mang dùng
Đến lúc có chồng đừng quên mất…”
Cô Lâm Nữ Minh hiện là phó giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, phụ trách phần kỹ thuật và sản phẩm. Cô từng làm bác sĩ, nhưng khi nghỉ hưu cô quyết định không mở phòng khám tư mà cộng tác với Hợp tác xã. Mẹ cô Minh mới mất. Khi còn sống, mẹ cô là một nghệ nhân dệt thổ cẩm được nhiều người biết đến. Cô Minh chia sẻ:
“Đầu tiên, người muốn tạo ra một sản phẩm phải có kế hoạch trước, chuẩn bị bao nhiêu chỉ để dệt nên sản phẩm đó, bao nhiêu chỉ hoa, bao nhiêu chỉ nền. Sau khi lên khung dệt rồi mình lại lên go hoa, sau đó mới bắt đầu dệt. Lên go hoa là công đoạn phức tạp nhất trong cả quy trình vì từng loại hoa văn lại có cách lên go riêng, lên go sai là hoa văn sẽ không thành hình. Để tạo nên một hoa văn mới cần rất nhiều công sức. Nên khi không còn làm nghề tay phải nữa, mình muốn làm một cái gì đó để những gì mẹ biết không bị mai một, để sau này còn truyền lại cho con gái mình. ”
Cách lên go – tức là cách thức tách, xếp chỉ để tạo hoa văn – được truyền từ mẹ cho con gái trong nhà. Nếu nhà nào không dệt nữa thì coi như các hoa văn trong nhà sẽ mất. Nếu không có nỗ lực tổng hợp, lưu trữ và truyền dạy, các mô típ hoa văn truyền thống của thổ cẩm Chăm rất có thể sẽ chỉ còn tồn tại trên các sản phẩm đã hoàn thành. Các sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm rất đa dạng về công năng, nhưng chủ yếu có hai hình thái chính: khung dệt dài danưng mưnhim jih dalah tạo ra các tấm vải khổ hẹp, có thể dùng làm cạp váy, viền khăn hoặc đai lưng; khung dệt ngắn danưng mưnhim aban khơn tạo ra các tấm vải khổ rộng dùng làm khăn, váy hoặc vải may quần áo tuỳ thích. Do có nguồn gốc là nghề thủ công phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, các hình thái hoa văn truyền thống của thổ cẩm Chăm đã phát triển đa dạng đến mức có thể được dùng để làm dấu chỉ cho giới tính, tuổi tác, vai trò thứ bậc xã hội của người mặc. Mỗi hoa văn đều mang một câu chuyện và mục đích riêng của chúng, được hiểu chung trong cộng đồng như một bộ quy ước mang giá trị truyền thống.
Câu chuyện hoa văn thổ cẩm làng Chakleng được chú Phú Văn Ngòi và cô Lâm Nữ Minh giới thiệu. Những hình ảnh, câu chuyện còn có sự đóng góp chia sẻ của các nghệ nhân và các bạn gái, chị gái đang theo học dệt hóa văn thổ cẩm tại Hợp tác xã Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bao gồm Đạt Thị Nam, La Thị Xuân, Lưu Thị Em, Lưu Thị Kim Tuyến, Thạch Thị Loan, Thiên Thị Mỹ Thuận, Thiên Thị Nga, Thuận Thị Trào, Trượng Thị Quyến, Thiết Thị Tràng, Quàng Thị Cúc, Vạn Thị Bạch, Vạn Thị Thạng.
Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.