Địa thế Phan Rang – Pangduranga khi xưa – là gần biển, có khí hậu bán sa mạc nóng khô và ít mưa quanh năm. Thế nhưng vùng đất Champa xưa lại được ghi dấu trong lịch sử bằng những hải cảng lớn, nơi tàu bè có thể ghé vào tích trữ nước ngọt và lương thảo trước khi giong buồm thẳng sang Trung Quốc. Nguồn nước ngọt này đến từ các giếng Chăm trải dài dọc các cồn cát ven biển, hiện diện khắp vùng duyên hải miền Trung, đánh dấu sự tồn tại của một đất nước thịnh vượng về nông nghiệp và hàng hải. Những bí quyết dò tìm mạch nước ngọt của người Champa xưa đi theo vương triều thịnh vượng đó giờ đã chìm vào góc khuất của dòng chảy lịch sử.
Nhưng khuất dạng không có nghĩa là biến mất. Những cặp giếng Chăm vẫn tồn tại, mang nguồn nước mát lành cho những cánh đồng trải dài trên vùng đất cát khô cằn này. Cwah Patih, tiếng Việt nghĩa là cát trắng, được đặt tên theo những cồn cát sừng sững nằm phía Nam của làng. Ngay dưới chân cồn là cặp giếng Chăm cổ, gồm Bingun likei là giếng Đực hướng Tây và Bingun kamei là giếng Cái hướng Đông, cách nhau khoảng vài mươi bước chân. Phóng tầm mắt ra xa là màu xanh mát rượi của 30 mẫu ruộng lúa đang trổ đòng, phập phồng theo từng hơi gió.
Giếng sâu khoảng một mét tám, thành giếng dưới đất xây bằng gạch Chăm, đáy lót gỗ lim tránh sụt lún, trên mặt đất làm hình hộc vuông đặc trưng, mỗi bề rộng chừng hai mét, cao ngang bụng người lớn, ghép gỗ kín ba mặt hướng Tây – Nam – Đông, còn hướng Bắc để thấp cho nước chảy tràn vào dòng mương nhỏ, hai bên lót đá dẹt theo tầng để người dân dễ bước xuống tắm giặt. Mạch nước giếng chảy ngầm qua đất lẫn đá vôi nên không trong vắt mà lại có màu nước gạo, nhưng luôn luôn đảm bảo sạch lành.
Trước khi có hệ thống nước máy được dẫn đến từng hộ gia đình, không gian xung quanh Bingun likei và Bingun kamei hiếm khi nào vắng lặng. Các nghi lễ được tổ chức bên giếng, người người ra lấy nước ngọt về sử dụng trong gia đình, phụ nữ ra bờ giếng tắm gội và giặt giũ, còn trẻ con dắt trâu bò xuống cuối mương uống nước, chơi đùa. Giếng Chăm không thiêng nhưng quý. Theo nhà nghiên cứu Inrasara thì: “Nếu tháp Chăm được xem là biểu trưng ở thượng tầng văn minh Champa thì giếng vuông Chăm là biểu tượng đặc thù của đời sống bình dân Chăm.” Giếng vuông Chăm khi ấy trở thành không gian của cộng đồng, nuôi dưỡng sự gắn bó về thể chất và tinh thần của con người với nước, với đất, và với nguồn cội của mình.
Theo một chiều kích kết nối khác, trong văn học Chăm có trường ca trữ tình Ariya Cam – Bini hay là trường ca Chăm – Bà-ni. Trường ca này gồm 118 câu lục bát Chăm, được viết vào cuối thế kỷ XIX, kể về chuyện tình của đôi trai gái do theo hai tôn giáo khác nhau nên không thể thành hôn. Trong cộng đồng Chăm luôn tồn tại hai tôn giáo là Chăm Bà-ni (còn gọi là Chăm Awal) mang ảnh hưởng Hồi giáo (Islam), và Chăm Bà-la-môn (còn gọi là Chăm Ahier) mang ảnh hưởng của đạo Bà-la-môn (Ấn Độ giáo). Cộng đồng kể lại rằng, nước mắt của đôi tình nhân thấm xuống đất cát, đọng thành mạch ngầm chảy ra giếng đôi. Vì nỗi đau chia cắt quá lớn nên dòng nước này không bao giờ cạn.
“Nếu đi tận đâu, chàng dìu dắt
Ví mà thành vợ thành chồng
Nếu trời có cho sum họp
Cũng còn cô đơn, (bởi) làng xóm chẳng thương
Chết (nàng), ta thiêu mất rồi
Bởi lòng ta thương, (mà) làm ra trường ca”
(Chuyển tự, dịch nghĩa & dịch thơ theo Inrasara).
Không phải ai trong cộng đồng Chăm cũng đồng ý với mối liên hệ này, cũng tương tự rất nhiều câu chuyện hư cấu tìm cách giải thích nguồn gốc của các địa danh khác. Không ai biết rằng Ariya Cam – Bini về hai người yêu nhau không được lấy nhau này có trước hay đôi giếng Chăm tại Cwah Patih xuất hiện trước. Bí ẩn này, cũng như bí ẩn về phương pháp dò nước của người Champa cổ, tích tụ và chảy ngầm trong tâm thức những người lưu ý đến chúng, để rồi hiển hiện ra trong những câu chuyện về di sản văn hoá của một vùng đất, một cộng đồng.
Câu chuyện về giếng cổ làng Cwah Patih được anh Phú Tuệ Tri, người làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận giới thiệu. Trích đoạn ngâm trường ca trữ tình Ariya Cam – Bini do chú Kiều Thanh Hải, làng Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận thực hiện. Câu chuyện về giếng cổ được chú Châu Văn Bính, người làng Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.
Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.