Chân dung nhân vật Hát Bội
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Chân dung nhân vật Hát Bội
Mục lục
Địa chỉ di sản

GIỚI THIỆU

Tại Đàng Trong, nghệ thuật Hát bội có lẽ xuất hiện vào thế kỷ XVII-XVIII và được các chúa Nguyễn ưa chuộng. Hát bội nêu bật lên tinh thần trung quân, các tiêu chuẩn đạo đức theo triết lý Nho giáo của bậc quân tử như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, vốn thịnh hành từ chốn cung đình cho đến dân gian, với nghệ thuật trình diễn đã đạt sự hoàn thiện. Tả quân Lê Văn Duyệt, một trong những khai quốc công thần nhà Nguyễn, mang theo niềm yêu thích Hát bội vào xứ Gia Định đầu thế kỷ XIX, góp công lưu truyền vở tuồng San Hậu. Đây là vở tuồng thầy gần như kinh điển, có thể áp dụng thành khuôn mẫu cho các vở tuồng đồ lắp ghép và cải biên từ những tích truyện sẵn có được thực hiện sau này. Khi phát triển tại miền Nam, hát bội thoát ra khỏi dạng thức biểu diễn cung đình, trở thành nét nghệ thuật sân khấu dân gian, có những cải biên để hợp với bối cảnh vùng miền và thị hiếu của khán giả.

Hoá trang, hay thường được gọi là dặm mặt hoặc sắm tuồng, cũng là một đặc trưng của nghệ thuật Hát bội, để biểu đạt một cách ước lệ, tượng trưng cho khí chất nhân vật từ đó giúp người xem nhận diện được các gương mặt tương phản như trung quân, gian thần, thiện, ác. Diễn viên trực tiếp vẽ những nét cong lên mặt, khi biểu diễn với hình thức xốc xông, nghĩa là rung cơ mặt, những nét ấy sẽ chuyển động làm phóng đại tính khí, biểu cảm nhân vật một cách tức thời. Màu sắc được dùng trong việc sắm tuồng cũng mang ý nghĩa tương đối, với các màu chủ đạo như đỏ, trắng, xanh lục, đen… để gợi lên nguồn gốc xuất thân hoặc đạo đức của nhân vật.

Nghệ sĩ Hữu Lập là một trong những số người làm nghề vẫn còn nguyên tâm huyết với Hát bội. Ông đã thực hiện một dự án nhằm giới thiệu 16 nhân vật tiêu biểu trong tuồng San Hậu, bổ sung thêm năm mặt tướng tiêu biểu trong các kịch bản Hát bội khác. Tất cả những tác phẩm này được vẽ theo cả hai lối sắm tuồng dạng mặt tướng: những nét đen được vẽ trực tiếp lên mặt kết hợp với biểu tượng đặc trưng, dùng nhiều màu đỏ-xanh lục- trắng diễn tả khí chất nhân vật; và dạng mặt trắng- diễn viên chỉ bôi mặt trắng và trang điểm nhấn mạnh lông mày, mũi và má. Các nhân vật này được thể hiện đúng với nguyên bản trình diễn trên sân khấu, dựa trên kinh nghiệm và ký ức trong hơn 65 năm tuổi nghề. Hoạt động trên nhiều vị trí trong đoàn hát, từ diễn viên đến soạn giả đến dựng tuồng, nghệ sĩ Hữu Lập hiện đang lưu trữ hơn 500 kịch bản tuồng từ xưa đến nay. Ngoài ra ông còn có cuốn sách tự chép tay gần 50 mặt nhân vật trong các kịch bản khác nhau, bảo lưu chi tiết cách vẽ mặt trong nghệ thuật hát Bội miền Nam theo trí nhớ của mình, là tài liệu quý mà các thế hệ nghệ sĩ đi sau còn phải tìm theo để tham khảo.

Tuồng San Hậu xoay quanh câu chuyện sau khi Tề vương băng hà, thái sư Tạ Thiên Lăng chiếm ngôi báu, lập Tiểu Giang San, mưu giết thứ phi Phàn Phụng Cơ đang mang thai cho họ Tề mất người nối dõi. Triều đình nhà Tề chia rẽ thành hai phe, phục Tề là phe chính diện, và phản Tề là phe phản diện, với ranh giới đạo đức của từng nhân vật được xây dựng rất rõ ràng. Ải San Hậu, hay còn gọi là Sơn Hậu, là nơi trận chiến cuối cùng nổ ra giữa hai phe thiện – ác, là cao trào của vở diễn.

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.

HÌNH ẢNH

Tướng Tạ Thiên Lăng

1. Tướng Tạ Thiên Lăng: Nhân vật phản diện chính trong cốt truyện. Tạ Thái sư phản vua, chủ mưu tiếm ngôi báu nhà Tề, khi Tề vương ngã bệnh thì mở yến tiệc lập Tiểu Giang San, là biến cố thúc đẩy kịch bản. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt trắng mốc, miệng đeo râu rìa, thể hiện tính cách mưu mô, giảo hoạt.

Tướng Tạ Ôn Đình

2. Tạ Ôn Đình: Em trai thứ nhà họ Tạ, là võ tướng tính cách hung bạo, theo phe phản diện. Ba anh em võ tướng họ Tạ thường xuất hiện cùng nhau là Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Nhược, Tạ Lôi Phuông. Nghệ sĩ khi sắm tuồng đeo râu liên tu, vẽ mặt rằn xen lẫn hai màu trắng và đen, trên đầu đeo ngạch đợi. Diễn viên sắm tuồng sẽ vẽ thêm hình óc mít (hình giọt nước) ngay trên mắt và hai bên thái dương tuần tự theo từng hồi diễn. Mỗi khi biểu cảm, nét mặt và chòm râu sẽ chuyển động liên tục theo hơi thở và cơ má của nghệ sĩ.

Tạ Lôi Nhược

3. Tạ Lôi Nhược: Em trai thứ nhà họ Tạ, là võ tướng cạnh (vai phụ), tính cách nhát gan, là một phần trong bộ ba anh em Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Nhược, Tạ Lôi Phuông. Nghệ sĩ khi sắm tuồng tô mặt xanh, hai khoang mắt vuốt nhọn hai cạnh mũi tạo hình mỏ chim, diễn viên đeo râu mép di chuyển liên tục khi nói chuyện, tạo điệu bộ gây cười cho khán giả.

Tạ Lôi Phuông

Em trai thứ nhà họ Tạ là võ tướng cạnh (vai phụ), cùng anh em mình chiến đấu với Khương Linh Tá. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt tướng dùng cùng màu với Tạ Ôn Đình, duy không vẽ thêm hình óc mít (hình giọt nước) hai bên thái dương. Tạ Lôi Phương và Tạ Lôi Nhược tử trận dưới tay Đổng Kim Lân và Phàn Diệm cuối hồi ba.

Tạ Nguyệt Kiểu

Chị gái nhà họ Tạ, vốn là Tây cung nhà Tề, tính cách hướng thiện đối nghịch gia đình, hỗ trợ thái giám Lê Tử Trình giải cứu thứ phi Phàn Phụng Cơ, sau phản đối âm mưu nhà họ Tạ mà vào chùa đi tu. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt trắng theo vai đào đẹp, biểu cảm dịu dàng, từ tốn. Khi vào chùa đi tu, nhân vật đội hiệp chưởng màu vàng che đầu.

Tạ Lôi Vân

Em trai út nhà họ Tạ, trung thành với nhà Tề, được chị mình là Tạ Nguyệt Kiểu thương yêu. Đây là dạng nhân vật phụ, ít thoại, thường được viết vào để tuồng đủ bộ. Tính cách nhân vật khờ khạo nhưng hướng thiện, thường được hoá trang mặt trắng, đeo anh quan trên đỉnh đầu. Xuất hiện ở hồi cuối của tuồng, đi cùng Tạ Thiên Lăng chạy vào chùa nơi Tạ Nguyệt Kiểu sinh sống để xin che chở.

Phàn Định Công

7. Phàn Định Công: Lão tướng trung quân nước Tề, vốn trấn giữ thành San Hậu. Khi Tạ Thiên Lăng mưu phản cho sứ giả ra chiêu dụ, Phàn Định Công chém sứ lấy máu đề kỳ, kéo quân về kinh đô phục nghiệp, giữa đường cuồng phong nổi lên làm gãy đại kỳ, do tuổi già sức yếu nên Phàn Định Công uất khí tử vong giữa đường. Nghệ sĩ khi sắm tuồng đầu đội mấn, vẽ mặt dạng võ tướng trung thần, trung tâm mặt tô đỏ tươi, hai khoang mắt vẽ tròng táo xệ xuống má, dưới vẽ kèm nét lá lang, đeo râu liên tu bạc. Nhân vật này tính tình cương trực, thẳng thắn, dù tuổi già sức yếu vẫn hưng binh về phạt Tạ.

Phàn Phụng Cơ

8. Phàn Phụng Cơ: Con gái Phàn Định Công, thứ phi nhà Tề, bị nhà họ Tạ truy sát vì đang mang thai ấu chúa. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt dạng đào đẹp, khi ở trong triều thì diện xiêm y là lượt, đến khi lưu lạc lại ăn mặc có phần dân dã hơn, tóc vấn đơn giản chỉ cài trâm trang trí, thể hiện nhiều gian truân mà nhân vật trải qua.

Phàn Diệm

9. Phàn Diệm: Con trai Phàn Định Công, sau khi cha mất thay cha phò ấu chúa diệt Tạ, dẫn quân vào kinh đô. Nghệ sĩ khi sắm tuồng đầu đội mấn, vẽ mặt dạng võ tướng trung thần, nguyên mặt tô đỏ tươi, hai khoang mắt vẽ tròng táo bao hết quầng mắt dưới, kèm với nét lá lang hai bên cánh mũi. Tính cách Phàn Diệm tương tự như cha mình, một lòng phụng sự nhà Tề, thủ binh bảo vệ San Hậu tới cùng.

Đổng Kim Lân

10. Đổng Kim Lân: Quan võ nhà Tề, xuất hiện xuyên suốt vở San Hậu. Đổng Kim Lân mang chức Ngự Mã Hầu, cùng Khương Linh Tá đóng vai trò quyết định giúp Hoàng tử nhà Tề phục nghiệp. Nghệ sĩ khi sắm tuồng đầu đội mấn được sắm tuồng dạng võ tướng trung thần, vẽ mặt đỏ tươi, lông mày xếch. Hoá trang nhân vật sẽ thay đổi theo thời gian trong cốt truyện, đến hồi thứ ba, nhân vật đến độ tuổi trung niên sẽ đeo thêm râu năm chòm đen dài đến rốn.

Đổng Mẫu

11. Đổng Mẫu: Mẹ Đổng Kim Lân, bị Tạ Ôn Đình bắt giữ làm sức ép với con trai trong hồi thứ ba. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt trắng, nhấn mạnh các nếp nhăn, chân mày và tóc bạc trắng, đầu đeo khăn, phục trang giản dị, cử chỉ chậm rãi dứt khoát nhưng toát ra khí chất mạnh mẽ. Đổng Mẫu hết lòng trung thành với nhà Tề, thẳng lời mắng nhiếc dòng họ Tạ cướp ngôi dù bị Tạ Ôn Đình đối xử tàn tệ.

Khương Linh Tá

12. Khương Linh Tá: Quan võ nước Tề, song hành cùng Đổng Kim Lân, sau tranh đấu bị Tạ Ôn Đình chém đầu ba lần vẫn kiên trì tháp lại ngăn quân Tạ cho Kim Lân thoát nạn. Dù đã chết, hồn Linh Tá vẫn hiện thành ngọn đèn soi sáng cho Kim Lân qua rừng vắng. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt dạng võ tướng trung thần, nhưng nguyên mặt tô màu xanh, chân mày vẽ xếch, hai khoang mắt vẽ đối xứng được vuốt nhọn tạo hình mỏ chim xuống gần chóp mũi. Nhân vật Khương Linh Tá được xây dựng đối ứng với Kim Lân, hai người qua nhiều lần thử lòng nhau cùng hợp lực giúp Tề trừ Tạ.

Triệu Khắc Thường

13. Triệu Khắc Thường: Quan nhà Tề, tính tình ngay thẳng, lên tiếng phản đối khi Tạ Thiên Lăng lập Tiểu Giang San, bị Ôn Đình chém đầu giữa tiệc. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt dạng lão đẹp, bôi mặt trắng, chân mày xếch, râu năm chòm ngắn, đầu đội mão, có thể được thể hiện như vai quan văn hay quan võ đều được.

Lê Tử Trình

14. Lê Tử Trình: Thái giám trung thần nhà Tề, từ đầu mưu chước cùng Tam cung Tạ Nguyệt Kiểu lập kế hoãn binh, cứu sống Phàn Phụng Cơ năm lần bảy lượt. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt trắng, nét thanh tao như phụ nữ, đầu đội mão xếp. Tương truyền, Tả quân Lê Văn Duyệt rất tâm đắc nhân vật này trong kịch bản San Hậu, mỗi lần diễn San Hậu ông phải tự tay cầm trống chầu, khen thưởng những đoạn hay.

Hổ Bôn

15. Hổ Bôn: Là tướng phụ, phục vụ nhà họ Tạ, được Ôn Đình sai đi bắt bà Đổng Mẫu. Nghệ sĩ khi sắm tuồng bôi trắng mặt, không vẽ theo dạng mặt tướng mà nghiêng về phía mặt hài, mắt vẽ tròng nhiễu nhỏ bên dưới, đầu đội ngạch nhỏ, môi xệ. Đôi khi được gọi chung là “quân Hổ Bôn", như một dạng tay chân của các tướng chính.

Hoàng tử

16. Hoàng tử: Hoàng thái tử nhà Tề, ấu chúa con của vua Tề đã băng hà và thứ phi Phàn Phụng Cơ. Vở tuồng San Hậu bắt đầu khi Hoàng tử còn nằm trong bụng mẹ và kết thúc khi Hoàng tử trưởng thành lên ngôi trở thành Tề vương nhờ công phò tá của các nhân vật trung thần. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt trắng theo dạng kép đẹp trẻ tuổi, chân mày mảnh nhưng xếch, khi lên ngôi đầu đội anh quan lớn, trang trí lộng lẫy. Nhân vật đại diện cho niềm tin vào đại nghĩa của tuyến nhân vật chính diện, khi Hoàng tử lên ngôi cũng là khi vở tuồng kết thúc có hậu.

Dư Hồng

17. Dư Hồng: Xuất hiện trong kịch bản Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu, theo tích truyện là chim hồng nhạn tu luyện hiện hình. Vai diễn Dư Hồng sắm tuồng theo dạng nhân vật bàng môn tà đạo, nguyên mặt tô màu đỏ, tròng mắt vẽ kéo dài từ thái dương đến hai bên cánh mũi thì vuốt nhọn tạo thành hình chim nhìn nghiêng, đeo mắt giả bằng đồng thau, giữa trán vẽ thên con mắt thứ ba, ý chỉ tinh tường thế giới.

Trịnh Ân

18. Trịnh Ân: Xuất hiện trong kịch bản Đào Tam Xuân Báo Phu Cừu, tính tình bộc trực nóng nảy, bị triều đình ra tay xử trảm trong oan ức, khiến vợ là Đào Tam Xuân phải lên đường báo thù. Nghệ sĩ khi sắm tuồng vẽ mặt rằn ri, miệng kéo xệch, nét vẽ bất cân đối giữa hai bên gương mặt ra chiều dị tướng.

Bàn Cổ

19. Bàn Cổ: Là vị thần khai thiên lập địa, thường xuất hiện trong đoạn Điềm Hương, mở đầu lễ xây chầu Đại Bội tại các lễ Kỳ Yên. Gương mặt Bàn Cổ vẽ màu xanh bên ngoài, khoang trắng ở mắt kéo dài từ thái dương qua gò má rồi vuốt nhọn tại giữa cằm thành một khối, nhìn chính diện có thể tưởng tượng thành mặt loài chim, giữa trán có hình biểu tượng âm dương. Nhân vật khi sắm tuồng đầu đội ngạch quan, mặc song mang (giáp nam mặc đủ bộ), hai tay cầm hai bó nhang múa tượng trưng hành động tách rời thái cực, sinh lưỡng nghi trời đất.

Châu Xương

20. Châu Xương: Xuất hiện trong vở tuồng Tam Quốc, đồng hành cùng Quan Công với Quan Bình. Trong tuồng tích hát Bội, Châu Xương gốc là sơn tặc, sau được Quan Công nhận làm con nuôi. Nhân vật được sắm tuồng được vẽ mặt, tròng nhiễu dưới mắt, mang râu xỉa, ý mang tính cách hung bạo nhưng trung thành.

Chung Vô Diệm

21. Chung Vô Diệm: Xuất hiện trong vở Đông Tề Chung Vô Diệm, là vương hậu nước Tề, gốc là sao Mão Đơn Tinh trên trời, sinh ra đã xấu xí nhưng tài sức hơn người, giúp đỡ vua Tề thống nhất giang sơn. “Thượng đình sanh tam giác, hạ khẩu xuất nhị nha” – trên đầu có ba sừng, dưới miệng có hai nanh, khoang mắt to kéo dài đến má, mặt đeo mắt thau ra dáng kỳ tài, dị tướng.

VIDEO

Chú Lập

Video phỏng vấn Chú Lập

Đang tải thêm
Bài viết này hữu ích không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
49120420226_fb90d6c092_o
Đối thoại cùng hồi ức về Cải lương
Audio
TP1-3
Hát ru, Hò và Lý Nam Bộ
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập