Người Bahnar Kon Kơđeh ở Mơ H’ra vẫn có truyền thống đặt những bức tượng thủ công tại khu nhà mồ trong lễ bỏ mả. Sau lễ bỏ mả, người thân sẽ không còn đến thăm nữa mà để lại tượng để làm người bầu bạn, hầu hạ người chết ở thế giới bên kia. Những thập niên gần đây, khi nhiều nhà mồ được xây bằng gạch, nhu cầu làm tượng nhà mồ cũng dần đi mất theo thời gian. Một trong những nguyên nhân làm tượng nhà mồ mất đi ở Gia Lai và Tây Nguyên nói chung trong một thời gian dài là nạn trộm tượng gỗ nhà mồ để bán lại cho các nhóm sưu tập đồ cổ tư nhân ở thành phố lớn hay ở nước ngoài. Đã từ lâu, làng Mơ H’ra không có bức tượng mới nào được ra đời. Trong làng, các anh các chú đã ấp ủ thực hiện những bức tượng gỗ mới, không phải để gửi cho người đã khuất, mà nhằm giữ lại cho con cháu và giới thiệu với người ở nơi khác đến một phần của đời sống tinh thần tại làng.
Anh Đinh Alec chia sẻ:
“Tạc tượng này không để nhà mồ, nghĩa địa, mà để cho con cháu và người ngoài đến chơi nhìn thấy được truyền thống của người Bahnar. Câu chuyện nó là như thế.”
Khi có cơ hội để tạc những bức tượng mới, nhóm thực hiện tại Mơ H’ra bắt đầu với ký ức của mình về tượng nhà mồ xa xưa. Lần đầu tiên nào cũng khó khăn và nhiều lo lắng, khi tìm được những cây gỗ say được chặt hạ đã lâu trong làng, mọi người phải cúng Yàng (ông trời) để hứa với cây là gỗ này sẽ được thành tượng làng, mong cầu quá trình làm tượng không xảy ra tai nạn. Gỗ say đủ cứng để tượng được bền, thớ gỗ cũng đủ mịn mềm để tạc. Phác thảo được vẽ thẳng lên thân gỗ, những nét lớn được tách ra bằng rìu lớn, sau đó những chi tiết được tạo thành bằng nhiều loại đục khác nhau từ to đến nhỏ. Tốc độ làm từ nhanh đến chậm, những chi tiết nhỏ cần sự chú ý và cẩn thận để giữ được hình dung ban đầu. Sau khi bức tượng được xem là hoàn thiện, một lễ cúng cũng được thực hiện, làm phép cho tượng với huyết gà để từ đó tượng dãi nắng dầm mưa mà không bị hư hỏng, nứt nẻ. Thậm chí, để thay đổi vị trí đặt tượng, già làng cũng phải xin phép Yàng cho đặt tượng vào sân nhà rông, thay vì tại khu nhà mồ như trước đây.
Anh Đinh Mưng kể lại quá trình làm tượng:
“Làm tượng lần đầu, mình sợ không đẹp, làm xong mình rất vui, mình nghĩ mình không làm được, mà cuối cùng cũng làm được. Vừa làm vừa hình dung ra, cái tay làm, cái đầu mình suy nghĩ. Làm xong thấy rất vui, nghĩ là sao hồi giờ không làm.” Những bức tượng mang hình dáng múa trống, giã gạo, múa Xoang, địu con, đều là những cảnh tượng thân thương với con mắt người làng. Họ nhớ về hình ảnh ông già, bà già (cha mẹ) để làm cảm hứng cho tượng gỗ. Họ nhớ về những câu chuyện được nghe, được kể để tham khảo cho quá trình tạc tượng. Họ giữ lấy hình dung quá khứ đó, để thực hiện những bức tượng cho tương lai. Khi xưa, những nhà có điều kiện trong làng mới có điều kiện đặt làm tượng gỗ cho người đã khuất. Bây giờ, khi thoát ra khỏi không gian nhà mồ, ý nghĩa của những bức tượng này được hình thành từ những người làm ra chúng. Sáu bức tượng gỗ này tại Mơ H’ra không cần phải bầu bạn người đã mất như xưa, mà nay được dùng để trông giữ không gian nhà rông truyền thống giữa làng, tồn tại song song với cuộc sống đang tiếp diễn xung quanh.
Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.