Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang
Mục lục
Xã Phố Là, thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Việt Nam

GIỚI THIỆU

Tác giả: Lê Minh Hương Trang, Nguyễn Thị Bích Ngọc

Cùng sự hỗ trợ của TS. Phạm Thị Kiều Ly

Pu Péo là dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 1000 người), sinh sống chủ yếu ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Việt Nam.  

Đối với người Pu Péo, rừng là chốn thiêng liêng của cả cộng đồng dân tộc, nếu mất đi rừng là mất đi sự giao hòa giữa thiên nhiên, thần linh và con người. Bởi vậy, họ luôn có ý thức rất cao trong việc bảo vệ rừng và giữ lời thề trước thần linh không xâm phạm đến rừng.

Lễ cúng thần rừng là lễ cúng quan trọng nhất trong năm của người Pu Péo, tổ chức vào mùng 6 tháng sáu âm lịch hàng năm nhằm bày tỏ lòng biết ơn của người dân đối với thần rừng. Những năm có ngày mùng 6 tháng sáu âm lịch trùng ngày Mùi, người dân sẽ tổ chức lễ cúng trong khoảng các ngày từ ngày mùng 1 đến mùng 5 do quan niệm ngày Dê không giết Dê. 

Lễ cúng thể hiện những tri thức bản địa độc đáo của người bản địa thông qua bài cúng kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần, phản ánh niềm tin của con người với thiên nhiên và ý thức hướng về nguồn cội, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên đã phù hộ cho con cháu bình an, sung túc. Sau phần lễ thường có phần hội, lồng ghép những lời hát, điệu múa và các trò chơi dân gian, góp phần thắt chặt mối quan hệ trong cộng đồng người Pu Péo. 

Với giá trị đặc sắc, đại diện cho bản sắc của cộng đồng người Pu Péo, năm 2012, Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, theo tư liệu điền dã nhóm nghiên cứu thu thập vào tháng 3/2024 và tháng 7/2024, đến nay chưa có bất kỳ biện pháp nào nhằm gìn giữ và thúc đẩy sự trao truyền di sản giữa các thế hệ. Hiện, chỉ còn vài người Pu Péo nắm rõ tri thức liên quan đến việc thờ cúng và tế lễ, trong đó có ông Củng Chẩn Tráng – Bí thư chi bộ thôn và Nghệ nhân dân gian Tráng Mìn Hồ – Trưởng ban mặt trận khu dân cư. Tiếng Pu Péo không có chữ viết, lại có âm điệu nhấn nhả nặng – nhẹ đặc trưng nhưng phiên âm bài cúng của người Pu Péo chưa được ghi lại, lưu trữ đầy đủ và hệ thống. Mặt khác, người trẻ trong thôn hiện thoát ly vì mưu sinh, không có cơ hội thực hành các nghi lễ truyền thống. Do vậy, bài cúng đứng trước nguy cơ mai một cao.

Đến nay, người Pu Péo vẫn đang tiếp tục bảo vệ và duy trì thực hành lễ cúng hàng năm nhưng đi cùng với đó là những trăn trở trong việc gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa của dân tộc giữa các thế hệ. Thông qua dự án thu thập tư liệu về Lễ cúng thần rừng, nhóm tác giả mong muốn góp phần bảo vệ những giá trị văn hóa và tri thức bản địa của người Pu Péo; đồng thời tham gia, thúc đẩy cộng đồng trong việc thực hành, trao truyền và bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt Pu Péo là dân tộc thiểu số rất ít người.

* Chú thích: Bản thu âm bài cúng bao gồm lời cúng trong lễ cúng cơm và lễ cúng sống. Bản phiên âm bài cúng bằng chữ La-tinh là bản viết tay của thầy cúng, do ông tự phiên âm sang chữ La-tinh dựa trên cách phát âm, vì vậy có thể có nhiều dị bản.

 

HÌNH ẢNH

Thầy cúng

Thầy cúng là chủ lễ, người giữ vai trò quyết định của buổi lễ. Theo quan niệm của người Pu Péo, thầy cúng phải là trưởng họ, chỉ có trưởng họ mới có đủ quyền hạn, tiếng nói để đứng ra làm chủ lễ. Ngoài ra, thầy cúng còn là người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc và nắm rõ về tổ tiên của các dòng họ dân tộc mình.

Trang phục của thầy cúng là trang phục dân tộc của đàn ông người Pu Péo: áo dài màu đen, khăn quấn từ vai xuống thắt eo màu hồng (khăn quấn giúp phân biệt người Pu Péo với người ở các dân tộc khác như người Nùng hoặc người Hán).

Thầy cúng chính là ông Củng Chẩn Tráng (sinh năm 1960), hiện đang là Bí thư chi bộ thôn Chúng Trải và người cúng phụ là nghệ nhân dân gian Tráng Mìn Hồ (sinh năm 1965) - Trưởng ban mặt trận khu dân cư. Hai ông là một trong số ít người Pu Péo nắm rõ tri thức liên quan đến việc thờ cúng và tế lễ, hầu hết các lễ cúng quan trọng của người Pu Péo đều do ông Củng Chẩn Tráng và ông Tráng Mìn Hồ làm thầy cúng.

Bài cúng

Lời cúng sử dụng trong buổi lễ sáng tác bằng chữ Pu Péo cổ và được truyền lại qua nhiều thế hệ thông qua truyền miệng. Do vậy, bài cúng có nhiều phiên bản khác nhau. Theo chia sẻ của ông Củng Chẩn Tráng, nội dung chính của bài cúng thể hiện mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu bình an khỏe mạnh của người dân Pu Péo. Ngoài ra, bài cúng còn thể hiện tình cảm, sự chuẩn bị chu đáo của người dân khi mời các thần và tổ tiên dòng họ về thưởng thức lễ vật. Tùy vào hoàn cảnh từng năm mà người cúng sẽ sáng tác thêm, gửi gắm thêm những tâm tư vào bài cúng gửi tới thần linh.

Bài cúng được phiên âm dựa trên cách phát âm chuyển sang bảng chữ cái La-tinh (dựa theo bản phiên âm tự chép tay của ông Củng Chẩn Tráng - Bí thư chi bộ thôn Chúng Trải, thầy cúng của Lễ cúng thần rừng 2024)

Các bước chuẩn bị lễ vật

- Chín cây tre: Chín cây tre đủ ngọn đủ cành, xum xuê tươi tốt được chọn làm dàn cúng, dựng giữa hai cây đại thụ trong làng, hướng về cửa rừng
- Nia tre
- Năm cái bát con
- Bốn cái chén
- Một đôi gà trống - mái
- Một con dê
- Một sợi chỉ trắng (hoặc đỏ)
- Một chai rượu
- Một ít hương đốt, tiền vàng
- Một ít cơm chín và một quả trứng luộc: Theo cách chuẩn bị của người Pu Péo, cơm và trứng được đặt trên dàn cúng và dưới nia tre.
+ Trên giàn cúng, cơm được chia thành 10 nắm nhỏ, nặn vuông vắn, xếp thẳng hàng. Trên mỗi nắm cơm, người Pu Péo xé thêm vài miếng lòng trắng trứng nhỏ, tượng trưng cho “thịt”, gọi là “mười cơm mười thịt”.
+ Dưới nia tre, cơm và trứng được chuẩn bị theo cách tương tự, lần lượt: một hàng 10 miếng cơm (tượng trưng cho vị thần ở mỗi ngọn đồi, quả núi và tổ tiên của mỗi dòng họ người Pu Péo); một hàng 8 miếng cơm, tượng trưng cho (thần đồi, thần núi, thần sông, thần suối, …), gọi là “tám cơm tám thịt”; một hàng 7 miếng cơm, gọi là “bảy cơm bảy thịt” và một hàng 5 miếng cơm, gọi là “năm cơm năm thịt” (tượng trưng cho các vị thần quản việc trời và việc đất). Ngoài ra, phía trên các hàng có một nắm cơm to (tượng trưng cho vị thần lớn, cai quản tất cả các vị thần).

Trước lễ

Trước khi tiến hành lễ cúng, thầy cúng cùng người dân Pu Péo thắp hương tại miếu thờ - nơi thờ tất cả các vị thần trong văn hóa của họ, xin phép các vị thần bắt đầu làm lễ. Năm 2024, miếu thờ thôn Chúng Trải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là nơi diễn ra lễ cúng chính và sân nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Chúng Trải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là nơi tổ chức phần hội, các hoạt động, trò chơi truyền thống.

Mỗi năm vị trí làm lễ có thể khác nhau nhưng hướng làm lễ luôn phải nhìn về phía cửa rừng, bởi rừng là chốn linh thiêng, là linh hồn của lễ cúng. Năm 2024, lễ cúng được tổ chức trên sân Miếu thờ, nơi có hai cây đại thụ, hướng đến cửa rừng.

Lễ cúng bắt đầu khi thầy cúng đọc bài cúng cơm mời thần rừng và các vị thần khác cùng ông bà tổ tiên về nhận lễ vật. Lễ cúng kéo dài khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng 30 phút, gồm năm lần cúng (3 lần cúng sống, 2 lần cúng chín), giữa mỗi lần cúng có một khoảng nghỉ để người dân chuẩn bị lễ vật.

Cúng cơm và cúng sống lần 1

Lễ vật trong lễ cúng sống gồm một con dê, một đôi gà trống mái cùng cơm và “thịt”.
- Cúng cơm, cúng thịt:
+ Hai hàng “mười cơm mười thịt”: Mời các thần và tổ tiên dòng họ về dự lễ, xin phù hộ cho con cháu gặp nhiều điều lành, ăn nên làm ra.
+ Hàng “tám cơm tám thịt”: Nhờ các thần giúp liên lạc, đi mời các vị thần và tổ tiên dòng họ mà người dân chưa được biết tên về dự lễ
+ Hàng “bảy cơm bảy thịt” và “năm cơm năm thịt”: Xin các thần và tổ tiên dòng họ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi.
- Cúng một con dê sống để mời thần chứng lễ, gửi dê cho thần dắt về chăn thả và phù hộ dân làng không bị tà ma làm hại, phù hộ cây trồng gia súc không bị dịch bệnh tàn phá.
- Cúng một đôi gà trống mái để tạ ơn trời đất và các vị thần đã phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, may mắn, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi gia súc thuận lợi, đồng thời xin các vị thần che chở cho mùa vụ tới.

Cúng sống lần 2

Con dê và đôi gà trống mái được đem đi lấy tiết rồi mang ra cúng cùng bốn chén rượu thơm.

Cúng sống lần 3

Con dê và đôi gà trống mái được mang đi mổ, làm sạch tay, chân, miệng sau đó được mang lên cúng tiếp.

Cúng chín lần 1

Cúng đôi gà đã luộc chín cùng bộ lòng mề chín mời các thần cùng tổ tiên dòng họ về ăn.

Cúng chín lần 2

Cúng lòng dê luộc chín (lòng, tim, gan, phổi) để mời các thần ăn trước, người ăn sau. Sau đó, người dân trong thôn dùng con dê lễ nấu thắng cố và ăn cùng với nhau.

Lần cúng cuối cùng mang ý nghĩa giao cơm cho thần. Sau khi mời các thần cùng tổ tiên dòng họ về, thầy cúng giao đủ “10 cơm 10 thịt” trên giàn cúng cho các đại thần cai quản các thần bên dưới, xin các thần cùng tổ tiên dòng họ phù hộ, che chở cho dân làng được bình an, may mắn. Giao cơm đến đâu, thầy cúng dọn cơm đến đó.

Sau lễ

Sau lễ, thầy cúng đan nan tre, làm thành hình tựa như cái lưới, đặt tiết gà và tiết dê đã trộn với nhau lên, xếp thành hai hàng hai bên, một hàng 9 tiết, một hàng 8 tiết tượng trưng cho “9 thịt sống”, “8 thịt tươi” lọc đi những điều không may, xua đuổi những vị thần “không sạch” (những người mất không nơi nương tựa hoặc các vị thần thiên tai như gió bão, lũ lụt, sạt lở) tránh xa làng bản. 4 tiết bên trên mang ý nhờ thần cai quản, nếu dân làng có mời thiếu các vị thần hay tổ tiên dòng họ thì nhờ thần cai quản mời giúp, chia phần cho đủ rồi mang những điều không may đi xa.

Cuối cùng, thầy cúng xin các vị thần báo cho vụ mùa tới bằng cách xem xương gà. Nếu trên xương chân của con gà lễ có 4 cái lỗ tốt, cắm được gai thẳng lên nghĩa là năm tới dân làng nuôi trồng thuận lợi, vụ mùa bội thu.

AUDIO

Thu âm lời cúng

Đang tải thêm

VĂN BẢN

Phiên âm bài cúng bằng chữ La-tinh

Đang tải thêm
Bài viết này hữu ích không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
8d6e473f3334966acf25-coepy
Hoạ tiết trên Phục trang đặc trưng của Nghệ thuật Hát Bội - Giáp Nam và Giáp Nữ
Hình ảnhVăn bản
Hinh-anh-di-san.resize
Kỹ thuật đan mây tre của người Mnông tại xã Yang Yang Tao, Huyện Lắk, Tỉnh Đắk Lắk
Thumbnail
Mô hình hát - nói trong nghệ thuật Hát Bội Việt Nam
Nại Văn Vương. Thôn Tân Đức, Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận. 16
Dân ca Chăm tại Ninh Thuận
le-cung-bo23-1
Lễ cúng bò của người Hmong trắng
resize-21
Chạm bạc của người Dao Tiền (Ngân Sơn, Bắc Kạn)
IMG_4844
Dân ca của người Ba na ở KBang
Spot-4
Giấy dó ở làng Đống Cao, Bắc Ninh
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập