Lễ cúng lúa mới tại làng Mơ H'ra
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Lễ cúng lúa mới tại làng Mơ H’ra
Mục lục
Địa chỉ di sản

GIỚI THIỆU

Sơmăh sa mǒk là lễ cũng lúa mới, diễn ra hằng năm tại các plei (làng) Bahnar, như một dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn tới Yàng (ông trời) và Yàng Sri (thần lúa) đã cho dân làng có một vụ mùa no đủ. Là một lễ hội cộng đồng, lễ cúng lúa mới có sự tham gia của tất cả mọi người trong làng nhưng được hướng dẫn bởi chính Bok Ra (già làng), người có tiếng nói cao nhất trong làng, được người làng lắng nghe tin tưởng.

Lễ cúng lúa mới thường được khởi động bằng một cuộc họp với sự có mặt của hầu hết dân làng, do già làng kêu gọi. Với cuộc họp này, ngày giờ của lễ cúng được xác định, các bước tổ chức được thông qua, vai trò trong cuộc lễ được ứng cử. Với sự đồng ý của tất cả mọi người, lễ cúng lúa mới chính thức được khởi động. Già làng sẽ làm một lễ phép lép trước ngày tổ chức tại con suối đầu làng. Hầu hết tất cả các làng của người Bahnar đều được thành lập gần một nguồn nước. Lễ này là để thông báo cho ông bà tổ tiên, các Yàng song, Yàng suối về ngày lễ cúng lúa mới sắp được tổ chức. Lúc này, dân làng sẽ bắt đầu gặt lúa để chuẩn bị cho các món ăn được dùng trong lễ. Đến ngày tổ chức, đàn ông dựng sơ đang (cây nêu) ngoài nhà rông, sắp xếp chơ đang (dàn cúng) trong nhà rông, phụ nữ khiêng nước, giã gạo chuẩn bị làm cốm từ lúa vừa gặt, là món ăn chủ đạo trong dịp mừng lúa mới.

Vì thực hiện lễ mừng lúa mới là nỗ lực của cả cộng đồng, mỗi người tại Mơ H’ra đều nắm giữ một vài phân mảnh trong cả quá trình này. 

Chị Đinh Thị Vân kể rằng:

“Khi nào làm lễ mừng lúa mới thì mình đi khiêng nước, cột ghè, giã gạo làm cốm. Ít khi để ý đến mấy ông đang làm gì lắm. Ai cũng có việc của mình, làm xong rồi cả làng ngồi lại ăn cốm uống rượu rồi hát múa với nhau thôi.”

Thay vì góp sức tận tay thực hiện lễ cúng lúa mới như mọi khi, người dân làng lần này ngồi với nhau để trò chuyện, ôn lại, ghi lại những ký ức của mình bằng những bức vẽ kể lại lễ cúng, thâu tóm không chỉ chi tiết mà còn chính những cảm nhận của mình trong nghi lễ cảm tạ Yàng Sri đã phù hộ nuôi nấng họ.

Dưới đây là lời cúng được già làng Đinh H’mưnh cầu ước vào mỗi dịp lễ mừng lúa mới:

 “Ơ Yàng Sri, Yàng tốt đẹp, Yàng trên núi Chơ Lây, Yàng sông Ba. Hôm nay lũ làng chúng tôi tổ chức lễ mừng lúa mới đầu tiên. Báo cho các Yàng về đây cùng ăn cùng uống, cùng chung vui với dân làng, về ăn gan gà và lúa mới đầu tiên. Phù hộ cho dân làng được sống khỏe, mùa màng tươi tốt, dân làng không bệnh tật ốm đau. Phù hộ cho dân làng năm sau lại được mùa màng tươi tốt. Lúa năm tới, mùa tới nhiều hơn năm nay

Các bạn có thể tham khảo thêm những bức tranh được trình chiếu dưới dạng motion picture tại ĐÂY nhé!

Để xem bản full của những chiếc postcards cực kỳ xinh đẹp, hãy bấm vào ĐÂY nhé!

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.

HÌNH ẢNH

Tranh 1

Cảnh dân làng ngồi họp trong nhà rông để quyết chọn ngày làm lễ, là bước chuẩn bị đầu tiên cho lễ cúng lúa mới. Tranh được anh Đinh Văn Minh vẽ trên giấy bằng bút chì, bút lông và bút chì màu.

Tranh 2

Ông già đi chặt cây le, là loại cây cùng họ với tre, trúc, về dựng chơ đang (dàn cúng). Tranh được anh Đinh Dũng vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 3

Cảnh thanh niên khiêng nước từ suối về nhà rông để chuẩn bị cho lễ sơmăh sa mǒk. Tranh được anh Đinh Phơch vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 4

Các ghè rượu được cột lần lượt vào dàn gỗ bên trong nhà rông. Tranh được anh Đinh Phơch vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 5

Ngoài sân nhà rông, các cô các chị bắt đầu giã lúa vừa gặt thành cốm, món ăn chủ đạo trong sơmăh xa mǒk. Tranh được anh Đinh Hmơnh vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 6

Bên trong và bên ngoài nhà rông, các chơ đang (dàn cúng) được dựng lên bằng cây le và lá chuối. Những món được bày trên chơ đang là những món được dâng cho Yàng (ông trời) và Yàng Sri (thần lúa). Tranh được anh Đinh Alech vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 7 và 8

Sau khi dàn cúng được dựng xong, già làng lần lượt dâng lễ cúng trong nhà và ngoài sân. Trong khi đó, dàn cồng chiêng đang tập dượt, chuẩn bị cho phần hội sắp diễn ra. Tranh được anh Đinh Alech và anh Đinh Quăng vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 9

Sau khi cúng xong, mọi người tụ họp lại thưởng thức các món ăn trong ngày. Gà nướng nguyên con được bày trên mâm là món ăn phổ biến trong dịp cúng lễ. Tranh được anh Đinh Phơch vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 10

Các món ăn được dọn ra trong dịp lễ cúng lúa mới, gồm mâm cốm, mâm gà và mâm heo. Trong đó mâm cốm là món đặc trưng nhất, do được làm từ lúa mới gặt từ chính vụ mùa trước. Tranh được anh Đinh Aléch vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và bút dạ.

Tranh 11

Cảnh tượng uống rượu ghè trong lễ mừng lúa mới. Hoạt động uống rượu ghè của người Bahnar có những quy tắc riêng. Trước khi uống, một lượng nước nhất định được đổ vào ghè cho đầy tới miệng. Mỗi người phải uống hết lượt của mình, có thể uống chung nhiều người. Trên miệng ghè có một cái ngạch nhỏ làm bằng tre để đo xem lượng rượu được uống đến đâu, khi nào lượng nước trên miệng ghè vượt xuống ngạch tức là lượt rượu đã xong. Tranh được anh Đinh Dũng vẽ trên giấy bằng bút chì, chì màu và màu dạ.

Tranh 12

Khi mọi người đã ăn uống xong, người đánh trống sẽ tiến ra đánh những hồi trống đầu tiên ra dấu cho dàn cồng chiêng bắt đầu. Người đánh trống sẽ dẫn đầu dàn cồng chiêng quanh sân nhà rông, vừa đánh trống vừa nhún nhảy ra nhịp. Tranh được anh Đinh Văn Minh vẽ trên giấy bằng bút chì và bút dạ.

Tranh 13

Cận cảnh trống nhỏ, do một người đánh. Tranh được anh Đinh H’mơnh vẽ trên giấy bằng bút dạ. Cha anh Đinh H’mơnh từng là người đánh trống nhỏ cho các lễ hội trong làng.

Tranh 14 và 15

Cảnh tượng các thanh niên trong làng chơi dàn cồng chiêng trong trang phục truyền thống. Tranh được anh Đinh H’mơnh và anh Đinh Quăng vẽ trên giấy bằng bút chì màu và bút dạ. Anh Đinh H’mơnh và anh Đinh Quăng cũng là một trong những người chơi cồng chiêng trong làng.

Tranh 16

Một nhạc cụ khác mọi người cũng hay chơi trong các lễ hội tại Mơ H’ra là đàn ting ning. Già làng Đinh H’mưnh làm cây đàn ting ning của mình bằng cách lấy dây kẽm từ dây thắng xe đạp bị hỏng căng lên trên ống lồ ô gắn vào một trái bầu rỗng. Âm thanh trên từng dây ting ning tương ứng với âm thanh của dàn cồng chiêng. Tranh được anh Đinh Quăng vẽ trên giấy bằng bút chì, bút dạ và bút chì màu.

Tranh 17

Đến một lúc nào đó trong lễ hội, mọi người trong làng sẽ lấy thêm chiếc trống lớn, do một nam một nữ đánh để bắt đầu múa trống giao lưu. Tranh được anh Đinh Dũng vẽ trên giấy bằng bút dạ và bút chì.

Tranh 18

Cận cảnh chiếc trống lớn do một nam một nữ đánh trong lễ hội để bắt đầu múa trống giao lưu. Tranh được anh Đinh H’mơnh vẽ trên giấy bằng bút dạ.

Tranh 19 và 20

Âm nhạc vang lên trong lễ hội và các cô các chị cùng múa Xoang. Chị Đinh Thị Văn diễn tả hai động tác cơ bản của điệu múa Xoang trong hai hình minh hoạ này. Chị Văn vẽ tranh này trên giấy bằng bút chì màu và bút dạ.

Bài viết này hữu ích không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
untitled (26 of 26)
Nhạc cụ và vật dụng tại làng Mơ H'ra
Hình ảnhVideo
untitled (11 of 16)
Tượng gỗ nhà mồ làng Mơ H'ra
(từ ngoài vào) Cô Đinh Thị Lăm, cô Đinh Thị Hiền, chị Đinh Thị Văn (2)
Họa tiết dệt truyền thống của người Ba na
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập