Hoạ tiết trên Phục trang đặc trưng của Nghệ thuật Hát Bội - Giáp Nam và Giáp Nữ
Di sản Kết nối – Một dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự
Phát triển đồng đều
Hoạ tiết trên Phục trang đặc trưng của Nghệ thuật Hát Bội – Giáp Nam và Giáp Nữ
Mục lục
TP. Hồ Chí Minh

GIỚI THIỆU

Nội dung bài viết, ảnh chụp và tranh minh hoạ bởi: Tạ Ngọc Uyên Phương và Josh Trombley

Biên tập bởi: Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm

Cùng sự hỗ trợ của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh

Hát bội, còn được gọi là tuồng hay hát bộ, là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, tính đến nay cũng đã hơn 300 năm tuổi. Loại hình nghệ thuật này có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi và được truyền bá sâu rộng qua ba miền đất nước, từ nông thôn đến đô thị, từ dân dã đến cung đình. Giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, sân khấu hát bội cũng gắn liền với những giá trị thẩm mỹ thể hiện bản sắc dân tộc Việt, phản ánh đời sống, tâm tư và khát vọng nhân văn của người Việt.

Mặc dù thuộc cùng văn hóa châu Á với các hình thức biểu diễn tổng hợp khác như Kabuki và Noh (Nhật Bản), Lakhon Bassac (Campuchia), Talchum (Hàn Quốc), Kinh kịch (Trung Quốc), hay Kathakali (Ấn Độ),… nhưng hát bội Việt Nam lại có những điểm đặc trưng để phân biệt so với các loại hình khác. Bên cạnh yếu tố vẽ mặt, vũ đạo, hát-nói và nhạc cụ, thì phục trang Hát Bội cũng phản ánh tư duy trung đại của con người Việt. Trong đó, các nguyên lý thẩm mỹ tượng trưng, cách điệu, thị hiếu thẩm mỹ đối xứng hài hoà với triết lý âm dương được thể hiện rõ nét. Khoảng 5 năm trở lại đây, các dự án về hát bội tuy phát triển rầm rộ nhưng vẫn chưa khai thác đầy đủ khía cạnh phục trang; hơn nữa, các nghệ nhân có khả năng thực hiện các bộ trang phục này cũng đang dần trở nên thưa vắng, phần vì tuổi tác phần vì không còn nghị lực bám nghề. Vì vậy, việc vẽ lại và lưu trữ các họa tiết phục trang hát bội không chỉ tạo ra nguồn tham khảo quý báu cho các cá nhân thực hành sáng tạo mà còn hỗ trợ tích cực cho các nghệ nhân làm trang phục.

Giáp trong phục trang Hát Bội được dành cho các nhân vật kép võ và đào võ, các nhân vật nam – nữ tướng có tính cách mạnh mẽ, oai phong. Từng bộ giáp được thiết kế cầu kì, được mặc khoác ngoài xếp nhiều lớp, cột bằng dây cho vừa vặn; đi kèm ngạch đội đầu, đôi khi có giắt bộ lông trĩ; cờ lệnh gắn sau lưng bó lại bởi vải đỏ dài; và đôi hài được làm vừa chân với từng nghệ sĩ. Để tạo nhiều hiệu quả thị giác khác nhau dưới nhiều môi trường biểu diễn, phục trang Hát Bội lồng ghép nhiều loại vải dệt như nhung, satin, cotton, canvas lót, bông chần, lông, rồi sau đó đính kim sa và đá hoặc nút kim loại tạo hiệu ứng bắt sáng. Việc sử dụng nhiều chất liệu như vậy cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc chơi với chất liệu của ông bà xưa, khiến cho các nhân vật trên sân khấu được “bội” nhất có thể. Thiết kế hình dáng và hoạ tiết trên giáp Hát Bội cho thấy đó là một sự dung hòa, học hỏi của nhiều nền văn hoá khác nhau trong khu vực, được ông bà ta Việt hoá cho phù hợp với thẩm mỹ của thời đại.

Bộ tư liệu “Hoạ tiết phục trang đặc trưng của Nghệ thuật Hát Bội” bao gồm giới thiệu sơ về hai bộ phục trang đặc thù nhất của nghệ thuật Hát Bội là giáp namgiáp nữ, kèm ảnh chụp và tranh vẽ các hoạ tiết xuất hiện trên giáp và mô tả chi tiết. Qua bộ tư liệu này, công chúng sẽ có dịp quan sát tỉ mỉ hơn sự tinh tế của bao thế hệ nghệ sĩ Hát Bội và nghệ nhân làm phục trang, đồng thời được hướng dẫn sử dụng các họa tiết sao cho vừa thu hút, vừa giữ gìn được các nguyên tắc thuần phong mỹ tục.

* Xin lưu ý: Bộ sưu tập này tham khảo từ phục trang của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh. Các bộ giáp hiện nay được làm giống với nguyên mẫu từ xưa, có thay đổi một số chất liệu và kích thước. Các đoàn hát bội hoặc tuồng khác luôn có những đặc trưng và sáng tạo riêng về hình vẽ hoạ tiết, phom dáng, nhưng nhìn chung vẫn khá giống nhau về mô-típ và kiểu hoạ tiết.

HÌNH ẢNH

Hình ảnh nghệ sĩ mặc giáp nam biểu diễn

Hình ảnh:
Nghệ sĩ Thanh Bình trong vai Phàn Định Công (Kịch bản “San Hậu”)
Nghệ sĩ Minh Khương trong vai Tạ Ôn Đình (Kịch bản “San Hậu”)
Nghệ sĩ Đông Hồ trong vai Ngũ Tân (Kịch bản “Chung Vô Diệm đại hội kỳ bàn”)

Hình ảnh chụp chi tiết giáp nam

Cách bài trí các hoạ tiết trên giáp Hát Bội được ảnh hưởng không nhỏ từ tư duy âm dương, nhị nguyên của Á Đông. Nếu đã có hoạ tiết chính, sẽ có hoạ tiết phụ, nếu có to thì có nhỏ, có hoạ tiết vuông vức, thì cũng có hoạ tiết bầu tròn, có màu nóng thì có màu lạnh. Tất cả đều được cân đối hài hoà và đối xứng trên - dưới, trái - phải, trước - sau,...
Tất cả ảnh minh hoạ hoạ tiết hoa văn được chụp và vẽ bởi Tạ Ngọc Uyên Phương và Josh Trombley.

Hình ảnh hoạ tiết trên giáp nam được vẽ lại kèm lý giải

Đầu tiên phải kể đến màu sắc của giáp nam Hát Bội - đen, đỏ, xanh lam, xanh lá, vàng và trắng - là những màu thường thấy trong các lễ nghi Phật giáo, trong các tín ngưỡng dân gian, hoặc ca vũ cung đình như áo Mã tiên. Ngoài ra, giáp nam còn ảnh hưởng từ các hình thức diễn xướng nghi lễ cung đình, chẳng hạn như vũ khúc “Trình tường tập khánh”, nhằm chúc cho nhà vua vạn tuế và quốc thái dân an.

Hoạ tiết chính (a) ở mặt trước của giáp nam

Hoạ tiết (a) là một trong những hoạ tiết chính, được tìm thấy trên mặt trước của giáp nam. Thoạt nhìn, ta có thể sẽ nghĩ đó là hoa văn hình rồng, nhưng xét rằng đây là phục trang dành cho tướng, quan võ; và xét về sự tương đồng của hoạ tiết này trên các bức phù điêu và chạm khắc khác ở châu Á, thì đây là kiểu hoa văn hổ phù - ở đây là con La Hầu (“Rahu”). Con La Hầu “ăn mặt trời” là một nhân vật trong thần thoại và văn hoá dân gian của nhiều dân tộc ở Đông Nam Á, có gốc từ Khmer và Ấn Độ giáo qua đến vùng Đông Á. Nó thường được miêu tả là một phần của sinh vật huyền bí có đặc điểm là đầu hổ và thân người hoặc thuỷ thể khác. Phần đầu gắn với hai chi trước, gọi là con La Hầu, phần còn lại là Kế Đô (“Ketu”). Hoa văn hổ phù thường được tạo tác “nhìn chính diện, mũi sư tử phồng to, đôi mắt lồi, lông mày rậm vểnh cao, răng nanh sắc nhọn và răng cửa, thường không có hàm răng dưới” (Nguyễn Du Chi, 209). Con La Hầu trên giáp nam có lông bờm, giống hình tượng con rồng, và được thêu chữ “Nhâm” trên trán, miệng ngậm một vật có một phần hoạ tiết chữ “Thọ” thường thấy trong mỹ thuật Việt. Hoạ tiết này thể hiện sức mạnh, và quyền lực, sự hộ vệ cho người mặc.

Hoạ tiết chính (b) ở mặt sau của giáp nam

Đối xứng với hoạ tiết (a) là hoạ tiết (b) ở mặt sau của giáp nam. Xét về hình dáng, hoạ tiết (b) có thể giống con ngài được cách điệu. Nhưng xét trong bối cảnh trang trí, hoạ tiết này có thể là góc nhìn từ trên xuống của một con chim phụng (hay chim phượng) đang sải cánh bay, có đuôi chùm dài uốn cong sang hai bên. Chim phụng là một biểu tượng rất phổ biến trong nghệ thuật truyền thống của nhiều nền văn hoá châu Á, đặc biệt trong nghệ thuật Việt Nam và Trung Hoa. Hoạ tiết này trên giáp được làm đối xứng, trên thân và hai bên cánh có thêm các hoạ tiết nhỏ, được tạo thành bởi phương pháp thêu bắt chặn, kết hợp cùng kỹ thuật đắp vải không gấp mép và đính thêm chất liệu phản quang. Bên trong các hình hoạ tiết chính còn được chần bông cho phồng, tạo độ sâu cho tổng thể.

Các mẫu hoạ tiết linh thú khác phái sinh từ rồng

Các hoạ tiết linh vật trên phục trang hát bội như ba hình vẽ minh hoạ trên được gọi chung là “mặt bợm”. Mặt bợm là loài linh thú phái sinh của rồng, có lông bờm, mang tính hộ vệ cao. Trong mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam và Á Đông, rồng là sự kết hợp đa loài, với nhiều kiểu hoạ tiết với nhiều ý nghĩa và ứng dụng khác nhau. Trên giáp nam Hát Bội, ta có thể tìm thấy rồng hổ phù, rồng hoa lá, mây hoá long,...Các hình hoạ tiết này được bày đối xứng với nhau và đối xứng trên-dưới với các hoạ tiết chính (a), (b), đối nhau ở hai bên cầu vai, và hướng mặt về phía nghệ sĩ.

Các mẫu hoạ tiết phụ

Đây là các họa tiết phụ họa thêm cho các hoa văn chính. Những họa tiết này cách điệu của những sự vật trong đời sống hàng ngày, trong thiên nhiên như mây trời, cỏ cây hoa lá. Chúng được điểm giữa những hình rồng, phượng cho phù hợp với bố cục và tổng thể. Không chỉ vậy, hoa văn mây, hoa được cách điệu và đan xen vào các linh vật, còn tạo tính thần bí và không gian chốn trời mây, cõi linh thiêng.

Hình ảnh diễn viên mặc giáp nữ biểu diễn

Hình ảnh:
Nghệ sĩ Ngọc Giàu trong vai Đào Tam Xuân (Kịch bản “Trảm Trịnh Ân”)
Nghệ sĩ Kiều My trong vai Chung Vô Diệm (Kịch bản “Chung Vô Diệm đại hội kỳ bàn”)
Nghệ sĩ Anh Thi trong vai Phàn Lê Huê (Kịch bản “Phàn Lê Huê phá Hồng thủy trận")

Hình ảnh chụp chi tiết giáp nữ

So với vẻ hùng hồn và oai phong của các hoạ tiết mặt bợm trên giáp nam thì các mặt bợm trên giáp nữ có phần đáng yêu và gần gũi hơn. Có lẽ do ra đời sau giáp nam, nên chất liệu và màu sắc của giáp nữ cũng có phần hiện đại hơn. Chất liệu dùng trong bộ giáp nữ óng ánh và mềm, ví dụ như nhung, các loại vải satin, đôi khi là vải poly, ruy-băng kim tuyến. Không chỉ sử dụng các kỹ thuật thêu ghép vải chần bông, giáp nữ còn được đính kim sa, sequin, lông bờm, dây tua-rua và ghép bồi giấy bìa cứng. Việc ghép nhiều chất liệu tương phản không chỉ thể hiện sự linh hoạt của nghệ nhân làm phục trang, mà còn khiến cho nhất cử nhất động của người nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu được sinh động bội lần.

Tất cả ảnh minh hoạ hoạ tiết hoa văn được chụp và vẽ bởi Tạ Ngọc Uyên Phương và Josh Trombley.

Hình ảnh hoạ tiết trên giáp nữ được vẽ lại kèm lý giải

Ba hình vẽ trên minh hoạ cho những con mặt bợm xuất hiện lặp lại trên giáp nữ. Đặc điểm có thể thấy của hoạ tiết linh thú này là mặt phồng, mắt lồi, chân mày rậm vểnh cao, mũi to, le lưỡi, có cặp răng nanh và kết lông bờm. Trên trán của chúng cũng đều có chữ “Nhâm” (nét ở giữa dài hơn hai nét trên dưới). Về cơ bản thì con mặt bợm trong ba hình minh hoạ trên tương tự như nhau, chỉ khác là khác tỉ lệ giữa các ngũ quan tuỳ theo kích thước và vị trí của hoạ tiết, để phù hợp với bố cục.

Hoạ tiết hình bướm

Hoạ tiết hình bướm thường ít thấy trong trang trí và kiến trúc cổ ở Việt Nam so với các loài linh thú. Trên giáp nữ, hoạ tiết hình bướm/ngài này được làm đối xứng với mặt bợm chính ở thân trước. Theo như triết lý âm dương, các cặp hoạ tiết được quân bình có lớn, có nhỏ, có những loài linh thú thì cũng có những con vật nhỏ được cách điệu đa dạng.

Hoạ tiết cách điệu hình cá và rùa

Ngoài ra, trên giáp Hát Bội còn có các hoạ tiết cách điệu từ con cá và mai rùa, thường ở hai tấm bên hông quần phục trang, gọi là “xiêm vế”. Hoạ tiết con cá thường mang ý nghĩa của sự may mắn, thịnh vượng và dư dả. Còn rùa được xem là vật thiêng, biểu trưng cho sự bền vững và trường thọ. Rùa xuất hiện nhiều trong văn học, lịch sử là dấu hiệu báo điềm lành. Hình tượng cá và rùa thường được dùng trang trí lên các phù ấn trong triều đình để ban tặng cho các võ tướng có công. Đôi khi, trên phục trang chỉ xuất hiện các hoa văn giản lược như vảy cá, sọc trên mai rùa, được đính thêm sequin và dây tua-rua tạo hiệu ứng.

VĂN BẢN

Không tìm thấy dữ liệu
Bài viết này hữu ích không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
bia-bia
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang
AudioHình ảnhVăn bản
Hinh-anh-di-san.resize
Kỹ thuật đan mây tre của người Mnông tại xã Yang Yang Tao, Huyện Lắk, Tỉnh Đắk Lắk
Thumbnail
Mô hình hát - nói trong nghệ thuật Hát Bội Việt Nam
Nại Văn Vương. Thôn Tân Đức, Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận. 16
Dân ca Chăm tại Ninh Thuận
le-cung-bo23-1
Lễ cúng bò của người Hmong trắng
resize-21
Chạm bạc của người Dao Tiền (Ngân Sơn, Bắc Kạn)
IMG_4844
Dân ca của người Ba na ở KBang
Spot-4
Giấy dó ở làng Đống Cao, Bắc Ninh
Chia sẻ di sản
Chia sẻ dự án của bạn
Hãy là một phần của dự án, tham gia đóng góp di sản tại địa phương bạn!
Đăng nhập

Đăng nhập