Dân ca Chăm – Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn và phát huy
Người Chăm là một dân tộc trong khối cộng đồng dân tộc Việt Nam, họ có một nền văn hóa rất phong phú và đa dạng, trong đó có loại hình Dân ca. Dân ca là một loại hình di sản mang tính âm nhạc và diễn xướng tiêu biểu trong kho tàng văn hóa dân gian của người Chăm. Dân ca Chăm bao gồm hệ thống các bài hát với ca từ đầy ý nghĩa mang nhiều nội dung về tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên, làng quê, hoạt động lao động sản xuất truyền thống. Giai điệu của các bài dân ca luôn sâu lắng, da diết, chất chứa đầy tình cảm, tình yêu thương của đôi lứa yêu nhau… Dân ca Chăm sống động qua từng thế hệ, là “nguồn sữa mẹ” nuôi dưỡng dân tộc Chăm qua bao thời kỳ, là giá trị văn hóa mang tính âm nhạc đại chúng tiêu biểu của người Chăm từ xưa đến nay.
Trước đây, người Chăm có rất nhiều bài hát dân ca thuộc nhiều thể loại, nhiều người Chăm xưa đều được lớn lên bằng tiếng hát dân ca, nên ai cũng thuộc hoặc biết dân ca. Nhưng cũng như nhiều di sản văn hóa khác trong bối cảnh hội nhập, trước sự xâm nhập của các loại hình âm nhạc hiện đại, dân ca Chăm cũng đứng trước nguy cơ mai một. Ngày nay, số người Chăm có thể hát dân ca truyền thống của dân tộc mình là rất ít, hầu hết những người biết dân ca cũng đã già lớn, có người đã mất đi theo thời gian. Giới trẻ (đặc biệt là học sinh, sinh viên) hầu như không ai biết hoặc quan tâm đến dân ca Chăm nữa. Đó là chỉ dấu cho sự biến mất của dân ca chỉ trong vài chục năm nữa.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Chăm nói riêng và văn hóa phi vật thể của người Chăm nói chung đang gặp không ít những khó khăn, thử thách. Nó đòi hỏi phải có sự đầu tư của các cấp, ngành, các tổ chức bảo tồn di sản văn hóa trong và ngoài nước… Có như vậy di sản Dân ca Chăm mới được bảo tồn và phát huy, là “sợi dây” chuyển tiếp, nối liền các thế hệ, từ đó Dân ca Chăm sống mãi cùng với các di sản văn hóa và tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến toàn thể cộng đồng người Chăm.