Nội dung bài viết, ảnh chụp và tranh minh hoạ bởi: Tạ Ngọc Uyên Phương và Josh Trombley
Biên tập bởi: Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm
Cùng sự hỗ trợ của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh
Hát bội, còn được gọi là tuồng hay hát bộ, là một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam, tính đến nay cũng đã hơn 300 năm tuổi. Loại hình nghệ thuật này có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi và được truyền bá sâu rộng qua ba miền đất nước, từ nông thôn đến đô thị, từ dân dã đến cung đình. Giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, sân khấu hát bội cũng gắn liền với những giá trị thẩm mỹ thể hiện bản sắc dân tộc Việt, phản ánh đời sống, tâm tư và khát vọng nhân văn của người Việt.
Mặc dù thuộc cùng văn hóa châu Á với các hình thức biểu diễn tổng hợp khác như Kabuki và Noh (Nhật Bản), Lakhon Bassac (Campuchia), Talchum (Hàn Quốc), Kinh kịch (Trung Quốc), hay Kathakali (Ấn Độ),… nhưng hát bội Việt Nam lại có những điểm đặc trưng để phân biệt so với các loại hình khác. Bên cạnh yếu tố vẽ mặt, vũ đạo, hát-nói và nhạc cụ, thì phục trang Hát Bội cũng phản ánh tư duy trung đại của con người Việt. Trong đó, các nguyên lý thẩm mỹ tượng trưng, cách điệu, thị hiếu thẩm mỹ đối xứng hài hoà với triết lý âm dương được thể hiện rõ nét. Khoảng 5 năm trở lại đây, các dự án về hát bội tuy phát triển rầm rộ nhưng vẫn chưa khai thác đầy đủ khía cạnh phục trang; hơn nữa, các nghệ nhân có khả năng thực hiện các bộ trang phục này cũng đang dần trở nên thưa vắng, phần vì tuổi tác phần vì không còn nghị lực bám nghề. Vì vậy, việc vẽ lại và lưu trữ các họa tiết phục trang hát bội không chỉ tạo ra nguồn tham khảo quý báu cho các cá nhân thực hành sáng tạo mà còn hỗ trợ tích cực cho các nghệ nhân làm trang phục.
Giáp trong phục trang Hát Bội được dành cho các nhân vật kép võ và đào võ, các nhân vật nam – nữ tướng có tính cách mạnh mẽ, oai phong. Từng bộ giáp được thiết kế cầu kì, được mặc khoác ngoài xếp nhiều lớp, cột bằng dây cho vừa vặn; đi kèm ngạch đội đầu, đôi khi có giắt bộ lông trĩ; cờ lệnh gắn sau lưng bó lại bởi vải đỏ dài; và đôi hài được làm vừa chân với từng nghệ sĩ. Để tạo nhiều hiệu quả thị giác khác nhau dưới nhiều môi trường biểu diễn, phục trang Hát Bội lồng ghép nhiều loại vải dệt như nhung, satin, cotton, canvas lót, bông chần, lông, rồi sau đó đính kim sa và đá hoặc nút kim loại tạo hiệu ứng bắt sáng. Việc sử dụng nhiều chất liệu như vậy cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc chơi với chất liệu của ông bà xưa, khiến cho các nhân vật trên sân khấu được “bội” nhất có thể. Thiết kế hình dáng và hoạ tiết trên giáp Hát Bội cho thấy đó là một sự dung hòa, học hỏi của nhiều nền văn hoá khác nhau trong khu vực, được ông bà ta Việt hoá cho phù hợp với thẩm mỹ của thời đại.
Bộ tư liệu “Hoạ tiết phục trang đặc trưng của Nghệ thuật Hát Bội” bao gồm giới thiệu sơ về hai bộ phục trang đặc thù nhất của nghệ thuật Hát Bội là giáp nam và giáp nữ, kèm ảnh chụp và tranh vẽ các hoạ tiết xuất hiện trên giáp và mô tả chi tiết. Qua bộ tư liệu này, công chúng sẽ có dịp quan sát tỉ mỉ hơn sự tinh tế của bao thế hệ nghệ sĩ Hát Bội và nghệ nhân làm phục trang, đồng thời được hướng dẫn sử dụng các họa tiết sao cho vừa thu hút, vừa giữ gìn được các nguyên tắc thuần phong mỹ tục.
* Xin lưu ý: Bộ sưu tập này tham khảo từ phục trang của Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh. Các bộ giáp hiện nay được làm giống với nguyên mẫu từ xưa, có thay đổi một số chất liệu và kích thước. Các đoàn hát bội hoặc tuồng khác luôn có những đặc trưng và sáng tạo riêng về hình vẽ hoạ tiết, phom dáng, nhưng nhìn chung vẫn khá giống nhau về mô-típ và kiểu hoạ tiết.