Những hoa văn trên trang phục truyền thống Bahnar vốn được kết hợp từ nhiều hoạ tiết khác nhau. Để tạo ra hoa văn khi dệt vải, người dệt phải nhẩm đếm và tính toán chính xác đến từng sợi chỉ ngang dọc để tạo ra hoa văn, với kích thước một số hoạ tiết chỉ tầm một hay hai hạt gạo. Những hoa văn nhỏ cơ bản được phối hợp lặp đi lặp lại, tạo thành các mảng hoạ tiết lớn, đối xứng với các các màu đặc trưng của người Bahnar như vàng, đỏ, chàm, đen – là những màu được chiết xuất từ nguyên liệu địa phương như vỏ ốc suối, củ rừng, lá cây, v.v… Kiến thức dệt không chỉ nằm ở cách tạo hình mà còn nằm ở cách phối hợp hoa văn trên từng trang phục tương ứng, đòi hỏi sự dự tính và tập trung của người thực hiện từ khi căng khung chỉ đến khi hoàn thành khổ vải. Quá trình này có thể kéo dài từ khoảng hai tuần đến một tháng, tuỳ vào khổ vải và thời gian dệt trong một ngày.
Kỹ thuật dệt và tạo hình hoa văn được các phụ nữ lớn tuổi trong gia đình truyền lại cho con cháu, hầu hết cũng là nữ giới, chủ yếu bằng cách truyền miệng và cầm tay chỉ việc. Dưới sự hướng dẫn của hai nghệ nhân dệt lành nghề – cô Đinh Thị Lăm và cô Đinh Thị Hiền, các bạn nữ trẻ Đinh Thị Khóc, Đinh Thị Mến và Đinh Thị Dịu tại Mơ H’ra đã phác hoạ lại một số mẫu hoa văn thường dùng trên trang phục truyền thống. Bằng quá trình vẽ lại, các bạn nữ chưa biết dệt tại Mơ H’ra có thêm cơ hội quan sát và cảm nhận cách tạo hình và quy luật phối hợp các hoa văn để tạo thành hoạ tiết trên khăn quấn đầu, áo, khố, váy hơ bang, v.v…
Mến chia sẻ:
“Ban đầu chỉ nhìn các hoa văn trên mẫu dệt thì vẽ rất là khó. Lúc sau có các cô cùng giúp thì vẽ cũng dễ hơn, có một số mẫu em không biết vẽ như thế nào thì hỏi các cô, có những từ các cô không biết tiếng phổ thông thì em có thể giúp.”
Những hoa văn trên vải dệt truyền thống Bahnar vốn rất chi tiết nên việc nhìn thấy và phác hoạ lại những hoa văn này là một thử thách đối với các bạn nữ trẻ tại làng. Các nghệ nhân dù có thể dệt được hoa văn bằng cách đếm sợi, nhưng lại cảm thấy rất khó khăn khi phải dùng bút để vẽ lại trên giấy. Dễ hơn nếu các cô nghệ nhân và các bạn trẻ vẽ cùng nhau – các bạn trẻ liên tục đối chiếu và hỏi ý các cô để đảm bảo sự tương đồng giữa hình vẽ và mẫu dệt. Khi hoàn thành, mọi người đều hài lòng với tác phẩm của mình và hiểu thêm về phương pháp dệt truyền thống mà từ trước giờ các bạn trẻ chỉ có cơ hội được học qua thực hành trực tiếp.
Mến kể:
“Sau khi vẽ xong, em hiểu hơn về tên của các mẫu và ý nghĩa của chúng để khi em có cơ hội giới thiệu các món thổ cẩm, em cũng dễ chia sẻ với khách du lịch hơn.”Trong chuỗi tư liệu này, các minh hoạ đều đi kèm với tên gọi và vị trí ứng dụng của từng hoa văn trong trang phục truyền thống Bahnar. Sắp tới, cô Đinh Thị Lăm và cô Đinh Thị Hiền sẽ tổ chức một lớp truyền dạy nghề dệt cho các bạn trẻ trong làng. Những bức vẽ này là cơ hội chuẩn bị cho các bạn nữ trẻ có thể tham khảo và đối chiếu khi tiếp cận với các mẫu dệt thực tế, để có thể tự mình nắm bắt tư duy về cái đẹp từ những hình tượng quen thuộc gần gũi trong văn hoá Bahnar.
Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.