Musical instruments and items in Mo H'ra village
Connected Heritage – A Cultural Heritage project aimed at
Equal development
Nhạc cụ và vật dụng tại làng Mơ H’ra
Table of contents
Heritage address

INTRODUCE

Một khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống tại Mơ H’ra là những vật dụng trong các hoạt động hằng ngày. Từ nhạc cụ đến vũ khí, từ công cụ đánh bắt đến nấu ăn, những vật dụng này tự kể về nếp sống bình dị hằng ngày của người Bahnar. Hiện giờ, tại Mơ H’ra các vật dụng này đang được gìn giữ tại nhà rông truyền thống của làng. Già làng Đinh H’mưnh là người kêu gọi mọi người đóng góp vật dụng cho nhà truyền thống để trưng bày. 

Già làng Đinh H’mưnh kể: 

 “Lúc đầu tôi vận động mọi người góp đồ, mọi người không hiểu để làm gì. Tôi phải đi vào từng nhà nói chuyện để mọi người hiểu trưng bày trong nhà rông là gì. Khi mọi người hiểu rồi, ai cũng vui vẻ lựa ra đồ đẹp nhất, quý nhất để đặt vào nhà rông. Chỗ nhà rông này, ai muốn vào coi tôi cũng mở cửa cho, vì làng mình mà, phải có đồ vật để chỉ, để kể , thì người ta mới biết cách mình sống.”

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Community Rules.

IMAGE

Đàn ting ning

Được làm từ dây kẽm, ống cây lồ ô già, một loại cây cùng họ tre trúc, và trái bầu hồ lô to rỗng ruột, bầu càng lớn tiếng đàn càng vang. Tiếng đàn ting ning vang lên trong lễ ăn lúa mới, trong dịp cưới hỏi, trong lễ đóng cửa kho, trong những ngày canh rẫy. Dây đàn ting ning được canh chỉnh theo thanh âm của từng chiếc chiêng trong bộ cồng chiêng. Khi đàn cho người hát dây đàn được chỉnh theo để hợp với giọng của người hát. Đàn ting ning gọn nhẹ, có thể đeo trên người để chơi mọi lúc mọi nơi.

Glơng hay glơi (đàn tơ rưng)

Đàn glơng cao vừa tầm tay một người đang đứng, được làm từ 10 – 13 ống lồ ô phơi khô được đẽo gọt theo kích thước tương ứng. Một bụi lồ ô chỉ chọn được hai hay ba cây vừa đủ già, vàng đều để lấy làm đàn. Người làm đàn chọn các ống lồ ô phù hợp, rồi đẽo bớt để tạo âm thanh chính xác. Người làm đàn phải biết nghe nhạc để căn chỉnh nốt khi đẽo cho chính xác. Anh Đinh Dũng, người chơi đàn glơng trong làng kể: “Cây đàn glơng hồi xưa được cột trên vách chòi trên rẫy, mỗi khi đánh lên tiếng vang xa, thú rừng nghe thấy biết là có người, khỉ, heo rừng không đến phá rẫy mình chăm. Ở rẫy một mình, có đàn ở đó, lúc mình đánh mình cũng thấy vui.”

Tak - Cây lao

Là công cụ không thể thiếu khi người Bahnar còn dịp đi rừng. Người vào rừng cầm theo cây tak, vừa dùng như gậy chống, vừa dùng để đuổi thú, vừa để đi săn. Cây tak dài vừa tầm đầu người đứng, người cao cầm tak dài, người thấp cầm tak ngắn. Tak được làm từ thân cây le già đặc ruột (cùng họ tre, trúc), lưỡi bằng sắt, được làm trong lò rèn trong làng.

Srá – Cây nỏ

Ở làng người Bahnar, nhà nào có con trai trong nhà cũng phải có một cây srá tự làm. Cây srá đầu tiên của anh Đinh Minh là do cha anh làm cho, từ lúc anh lên năm, sáu tuổi đã dùng srá để tập săn bắn cùng bạn bè trong làng. Phần cánh srá, gọi là gơr, được làm bằng gỗ cây say, loại gỗ chắc nhưng dẻo dai, có kéo mạnh cánh srá cũng không gãy. Đầu srá làm bằng gỗ cây trắc, cứng chắc không mòn vẹt. Lẫy srá từng được làm bằng sừng hươu nai, nay hay được đẽo từ sừng trâu. Srá khi để trong nhà phải treo trên nóc nhà, kiêng kỵ việc để dưới đất, sẽ làm srá không nhạy nữa. Cây srá đi theo người đàn ông Bahnar đến tận khi mất, được đặt vào nhà mồ để sử dụng trong thế giới bên kia. Để hoàn tất một cây srá phải mất khoảng ba ngày liên tục.

Sơ hrok và pam pak – Đơm và đó dài

Cá suối là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người làng. Sáng sớm đàn ông trong nhà ra suối, chọn khúc suối nước chảy mạnh, đắp một bờ đất cao lên để hướng dòng nước chảy. Người ta khoét một lỗ trên bờ đất đặt sơ hrok vào, cá theo dòng nước sẽ bị ép vào đáy sơ hrok. Với pam pak, người bắt cá đặt ở hai bên bờ đất, cá bơi theo dòng sẽ lọt vào pam pak, bị chặn bởi cái lẫy mà không bơi ra được. Phần lẫy của pam pak là phần khó làm nhất, nếu làm không chắc chắn thì cá có thể vùng vẫy thoát ra. Cá bắt được sẽ cho vào not (giỏ) để mang về nhà, để lại sơ hrok và pam pak tại bờ suối cho mẻ cá ngày hôm sau. Sơ hrok và pam pak thường được mọi người tự đan từ cọng mây, cọng le chuốt nhỏ. Người Bahnar có câu nói vui với nhau rằng: “Đàn ông dậy sớm chịu lạnh ra suối rửa mặt đặt cá thì mới có cá để ăn, còn chỉ biết ngồi dưới bếp lửa cho ấm mặt thì không có gì ăn đâu.”

Tdrer và Tpal – Chày và Cối

Chày và Cối là vật dụng có thể tìm thấy được trong góc bếp của bất kỳ căn nhà người Bahnar nào. Hầu hết trong bữa ăn nào, chày cối cũng sẽ được sử dụng để chế biến món ăn, khi thì giã gạo nấu cơm, khi thì nghiền lá rừng làm gia vị. Thường thì người con trai trong nhà sẽ đi tìm gỗ làm chày cối cho mẹ hay vợ mình. Chày làm bằng cây sung đen, cối làm bằng gỗ trâm. Một bộ chày cối tốt có thể được sử dụng đến 40 năm. Mỗi nhà người Bahnar có thể chỉ cần một cái cối, nhưng số lượng chày sẽ tương ứng với số người tham gia làm bếp trong nhà. Nếu nhà có người đàn ông cũng tham gia làm bếp, có thể sẽ có tới hai hay ba cây chày được sử dụng. Vì sự cần thiết của bộ chày cối trong bếp, việc một cặp vợ chồng người Bahnar có một cặp chày cối riêng cũng mang ý nghĩa một cuộc sống độc lập, tách khỏi gia đình cha mẹ mình. Anh Đinh Minh kể: “Thì lúc mới về ở với nhau, chưa có chày cối, khi làm cơm phải chạy qua nhà ông bà già để mượn, lúc đó mới thấy cần một bộ riêng của mình, khi có rồi, mình thấy mình đi đâu cũng được.”

Gùi hoa văn

Gùi hoa văn được dùng trong dịp cưới hỏi của người Bahnar, do bên nam chuẩn bị để đựng đồ để đi lấy vợ, để đựng sợi bông, vải may áo, vải may khố. Kỹ thuật đan gùi hoa văn được sao chép từ kỹ thuật tạo hoa văn khi dệt. Bắt đầu từ khung đế bằng gỗ xoàn, gùi hoa văn được đan từ dưới lên trên, được tạo hình bằng các dây mây gắn vuông góc với đế và đan dần lên miệng để hoàn thiện. Gùi hoa văn thường chỉ có hai màu, màu sợi mây, sợi le trơn và màu đen, do nhuộm bằng hỗn hợp mủ vỏ cây lộc vừng trộn với than. Một cặp gùi hoa văn sẽ được đôi vợ chồng mới cưới đặt trong nhà, kỷ niệm cho lễ cưới vừa qua.

Khêl – Khiên

Khêl thường được làm bằng gỗ, hoặc bằng kim loại, ngày nay người Bahnar làm khêl bằng tre nứa. Khêl ngày xưa người Bahnar dùng làm dụng cụ để cản trở, chắn tên hoặc sự tấn công của thú dữ. Ngày nay, người Bahnar đan khêl bằng tre, nứa dùng chúng làm dụng cụ múa trong các dịp lễ hội, người múa khêl thường đi đầu như muốn bảo vệ cho đoàn người đi sau.

Bết – Chiêng núm

Chiêng của người Ba-na gồm ba loại: chiêng hoanh, chiêng tur và chiêng Hòa Bình. Mỗi chiêng được người Bahnar đặt tên và gắn với mối quan hệ ruột thịt, đa phần là các nhân vật nữ. Thí dụ, chiêng núm to nhất glụ là bà, chê là mẹ, bết là cháu gái. Trong hình là bết, chiêng núm bé nhất trong dàn chiêng.

Đing chơn – Đàn thổi

Đing chơn là một loại nhạc cụ của người Bahnar. Thời xa xưa khi không có các nhạc cụ, người Bahnar dùng những ống lồ ô nhỏ và làm thành đàn để thổi ra các âm điệu khác nhau.

Dao - Đao

Ngày xưa người Bahnar đi rừng thường mang theo dao để bảo vệ bản thân trước thú dữ. Ngoài ra, trong lễ hội đâm trâu, một thanh niên trai tráng sẽ cầm dao thực hiện nghi thức đâm trâu.

Knưih – Đá mài

Ngày xưa và hiện nay người Bahnar đều đang sử dụng knưih. Khi đi rừng hay đi rẫy đều mang dao hay rìu để chật cây và củi và khi các vật dụng này bị mòn thì họ lấy knưih ra, mài cho dao và rìu sắc bén hơn.

Bram – Mặt nạ

Bram là vật dụng dùng trong lễ bỏ mả. Những người đeo mặt nạ đi đầu, như đại diện cho tổ tiên niềm nở chào đón và đưa linh hồn về thế giới ma.

Agal – Mũ

Agal là mũ mà nam giới sử dụng như một phụ kiện. Ngày xưa người Bahnar dùng đội đầu khi đánh chiêng trong các lễ hội lớn của dân làng.

Sgơr – Trống

Sgơr được làm bằng gỗ và đắp ở ngoài bằng da trâu. Ngày xưa cũng như ngày nay người Bahnar dùng sgơr để thông báo mọi người tụ họp hay thông báo có người chết. Sgơr cũng được sử dụng trong các dịp lễ hội, đi kèm với đội cồng chiêng.

Ảnh chân dung người chơi nhạc cụ và các vật dụng

VIDEO

Video phỏng vấn về nhạc - dụng cụ

(The spelling of the local words in this note is the way the locals transliterate themselves into Mandarin (Vietnamese) the way they pronounce it. This means that there may be different pronunciations and do not follow the same standard.)

Loading more
Was this article helpful?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

MAYBE YOU ARE INTERESTED
untitled (11 of 16)
Wooden statue of the tomb house of Mo H'ra village
ImageVideo
6.-Le-cung-lua-moi-New-Rice-Festival-Hinh-ve-Drawings-20
New rice offering ceremony at Mo H'ra village
(từ ngoài vào) Cô Đinh Thị Lăm, cô Đinh Thị Hiền, chị Đinh Thị Văn (2)
Họa tiết dệt truyền thống của người Ba na
Chia sẻ di sản
Share your project
Be a part of the project, participate in your local heritage contribution!
Log in

Log in