Hát bội (còn gọi là “tuồng” hay “hát bộ”) là một trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, có bề dày lịch sử phát triển lâu đời. Loại hình hát bội được ước đoán ra đời từ khoảng thế kỷ 16, định hình trong thế kỷ 17-18, và phát triển hưng thịnh vào thế kỷ 19. Như vậy, loại hình hát bội đã sinh phùng và đạt đến độ viên mãn về trình độ nghệ thuật trong khuôn khổ thời trung đại. Vì lẽ đó, sân khấu hát bội tích hợp trong nó hệ quy tắc thẩm mỹ thuộc quỹ đạo tư duy “cổ điển” thời trung đại. Cốt lõi của hệ quy tắc đó là phẩm chất ước lệ với những phương thức biểu đạt như tượng trưng, cách điệu, khoa sức,… đặc thù thể hiện qua những kỹ thuật biểu hiện như vẽ mặt, trang phục, vũ đạo.
Bên cạnh đó, kỹ thuật hát – nói của hát bội cũng mang trong mình những nét đặc thù mà chỉ riêng bộ môn này mới có. Hát – nói hát bội không chỉ đẹp về ca từ (thường là văn thơ theo quy tắc tạo lập ngôn ngữ thời trung đại với các “khuôn vàng thước ngọc” về niêm luật) mà còn đẹp vì hệ thống bài bản với các cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố,… đã khiến bao thế hệ khán giả trầm trồ, thổn thức khi đến với hát bội.
Collection “Mô hình hát – nói trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” do Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish thực hiện nhằm giới thiệu đến khán giả những bài bản cơ bản, thường nghe của hát bội như nói lối, bạch, xướng, hát khách, hát nam,… Với bộ sưu tập này, Hiếu Văn Ngư hy vọng quý khán giả sẽ tự tin hơn khi đi “coi hát” cũng như sử dụng các chất liệu hát – nói của hát bội trong các dự án sáng tạo.
NÓI LỐI
Kiểu nói có tiết tấu, thường dựa trên cơ sở văn biền ngẫu. Nói lối có nhiều vai trò khác nhau trong biểu diễn hát bội, như tự sự, trữ tình, đối thoại, đàm thoại. Tuỳ theo âm nhạc, lối biểu cảm hay hành động mà nói lối sẽ có những tên gọi cụ thể.
BẠCH
Cơ sở của bạch thường là một bài thất ngôn tứ tuyệt, có khi hai câu sau là phú. “Bạch” thường dùng để giới thiệu, bày tỏ khí chất một nhân vật, nhất là khi nhân vật ấy vừa xuất hiện trong phần trình diễn.
XƯỚNG
Cơ sở của “xướng” thường là một bài tứ tuyệt hay bát cú; xướng thường có chức năng gần giống “bạch” nhưng thường được dùng cho các nhân vật thần tiên, người có phong thái đĩnh đạc, nhàn lạc.
NGÂM
Ngân tiếng dài ra, có giọng cao thấp nhặt khoan cũng như tiếng ca, cũng gọi là xướng thi, ngâm vịnh. (Theo NSND Đinh Bằng Phi, “Nhìn về sân khấu hát bội Nam Bộ”, NXB Văn nghệ, 2005)
THÁN & OÁN
Cơ sở của “thán” hoặc “oán” thường dựa trên bài tứ tuyệt hoặc thất ngôn. “Thán” và “oán” thường được dùng trong những trường hợp đau lòng như than thở, biệt ly.
HÁT KHÁCH
Ca từ của các bài hát khách thường được viết bằng thể thơ sáu chữ, bảy chữ hoặc thể phú. Hát khách thuộc dòng bắc xướng, có giai điệu mạnh, vui, có thể chuyển hóa sang buồn nhưng vẫn khỏe, không có tính sầu não ai oán. Hát khách thường dùng trong tình huống ra đi chiến đấu, chiến thắng trở về, hoặc những lúc bạn bè gặp nhau, tâm sự lúc bàn rượu, v.v.. Có các loại: Khách ngoạn cảnh, khách trình bày, khách hành binh, khách đối đáp, khách thúc, khách bủa, khách thán/ khách tử, khách chúc,…
HÁT NAM:
Ca từ của các bài hát nam thường được viết bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát với giai điệu tươi vui, nhẹ nhàng, có khi chuyển sang buồn thảm, bi ai. Hệ thống các bài nam cũng đa dạng, có khi tuỳ theo âm nhạc (nam xuân, nam bình, nam ai), theo biểu cảm (nam thương, nam luỵ, nam hận), hoặc khi tu sức cho hành động (nam chạy, nam biệt).
Nghe hát nam trong các audio “Nói lối ai qua nam ai”, “Nói lối sảng qua nam tẩu”.
————————————————————-
Collection “Mô hình hát – nói trong nghệ thuật hát bội Việt Nam” do Hiếu Văn Ngư thực hiện nghiên cứu, biên tập và tuyển chọn nội dung. Nhóm dự án gồm có:
- Ý tưởng & nội dung: Lục Phạm Quỳnh Nhi
- Cố vấn nội dung, tuyển tập bài bản: Nhà nghiên cứu Vương Hoài Lâm.
- Quản lý dự án, thu âm và hậu kỳ: Hà Thúc Đức Tùng.
Với sự đồng hành của:
- Nghệ sĩ nhân dân Xuân Quan (Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM)
- Nghệ sĩ nhân dân Thanh Trang (Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM)
- Cùng các nhạc công từ Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM: Ngô Văn Tòng, Lê Kim Phong, Phan Ngọc Hiếu, Lê Minh Tân, Nguyễn Trần Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Đô.