Lễ cúng bò của người Hmong trắng
Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Đây thực chất là lễ mừng thọ 120 tuổi. Với người Hmong ở Hà Giang, công việc gì quan trọng, cả vui lẫn buồn, người ta cũng phải mổ bò. Lễ cúng cuối cùng Lễ cúng diễn ra vào ngày 11/11/2023 (28/09 âm lịch) tại thôn Suối Chín Ván, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Ông Ly Mí Pó, 44 tuổi, người Hmong trắng, cúng cho bố là Ly Nhìa Súng, sinh năm 1949, mất năm 2009, thọ 60 tuổi. 14 năm sau gia đình làm lễ cúng. Lễ vật là một con bò nặng 80kg. 9 giờ 30 phút bắt đầu lễ cúng, 13 giờ 03 phút kết thúc lễ cúng. Người thân ăn cơm uống rượu ngay tại địa điểm tổ chức lễ cúng (đi từ nhà ra, qua một ngã ba, chọn một bãi đất bằng gần nhà để thuận tiện cho việc tổ chức lễ cúng và làm các công việc hậu cần, không đòi hỏi gì phức tạp). Sau đó về nhà làm cơm, tối họ hàng ăn ở nhà và mời khách. Kết thúc ăn uống lúc 23 giờ.
Nội dung bài cúng: Hôm nay, ngày…, tháng…, năm… con trai là Ly Mí Pó làm lễ cúng con bò cho ông Ly Nhìa Súng. Mời ông về nhận con bò và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Con cháu mừng ông về sum vầy với tổ tiên ở nơi có “sáu tháng mùa hè, sáu tháng mùa đông” (thời tiết của quê hương trong tâm thức của người Hmong).
Đây là lễ cúng cuối cùng, hoàn tất một vòng đời của người Hmong, sau đó người sống không còn phải cúng gì cho người chết nữa. Lễ mừng thọ Người Hmong có câu chúc nhau “sống thọ đến 120 tuổi.” Và công việc gì quan trọng, cả vui lẫn buồn, người ta cũng phải mổ bò. Nếu người nào sống đến 120 tuổi thì được mời ngồi trực tiếp chứng kiến lễ, người đã chết thì mời linh hồn về nhận lễ. Chỉ trừ những người không có con trai, còn thì người con trai nào cũng làm phong tục đó cho bố/mẹ.
Lễ cúng này thường diễn ra ít nhất một giáp (12 năm) sau khi cha/mẹ chết. Còn thì tùy điều kiện kinh tế của gia đình người con mà lễ cúng có thể diễn ra sau nhiều năm hơn nữa. Tùy điều kiện kinh tế của gia đình, lễ vật có thể là một hoặc hai, ba con gà, lợn, bò. Nhưng thường là một con.
Trong lễ cúng người ta cúng cả lễ vật là con gà, con lợn rồi đến con bò. Nhưng con gà và con lợn thì chỉ cúng sống, vặt một ít lông để tượng trưng rồi thả lại vào chuồng chứ không giết thịt như con bò. Vì trước đó đã làm hai lễ dâng cúng lễ vật là con gà (trước một năm) và con lợn (trước một đến vài tháng) rồi. Trình tự lễ vật dâng cúng bao giờ cũng phải có từ con vật nhỏ đến con vật lớn. Trong phần dâng cúng con gà, thầy cúng vừa khấn vừa cầm con gà quay từ trước ra sau theo chiều kim đồng hồ. Mỗi vòng tròn là một lần cúng một linh hồn tổ tiên của gia đình.
Lễ cúng bò (nhùx đá) được tổ chức khi nào các con trai của người chết có điều kiện nuôi được một con bò hoặc có tiền mua một con bò thì làm lễ cho bố/mẹ đã chết. Lễ vật là một con bò to, nhỏ tùy ý. Lễ này có thể còn được tổ chức do bố/mẹ đã chết về đòi con cho bò (thông qua việc trong gia đình có người ốm đau, hoặc nằm mơ, hoặc do thầy cúng xem trúng). Nếu người đã chết có nhiều con trai thì các con trai góp tiền cùng làm lễ.
Người Hmong thờ gia tiên đến ba đời, không lập bàn thờ, không có di ảnh, tất cả chỉ thờ chung ở một cây hương cắm dưới đất, nếu ta đi vào gian giữa nhà sẽ nhìn thấy ở bên phải. Còn bàn thờ là tiền vàng, máu gà, lông gà dán trên tường và cây hương ở bên trái là để cầu một năm làm ăn thuận lợi, người và vật sinh sôi nảy nở. Mỗi năm, vào ngày 30 tết, người Hmong sẽ giết gà làm lễ cúng và thay bàn thờ mới. Nói chung, đám ma của người Hmong không buồn thảm, bi lụy. Họ cười nói vui vẻ vì mừng cho người chết được về với tổ tiên. Họ chỉ khóc duy nhất một lần trong đám ma tươi.
Nét độc đáo trong đám ma của người Hmong là được thể hiện qua tiếng khèn, tiếng trống. Thầy cúng đọc những bài cúng bằng tiếng Hmong, lời lẽ chậm rãi, nhẹ nhàng bày tỏ tình cảm thương mến với người đã chết, nhưng không đau thương, bi lụy mà như một lời tâm sự rủ rỉ, tiễn người chết về với tổ tiên, nhắn nhủ những người còn sống nhớ về tổ tiên, phải biết yêu thương, đùm bọc và che chở nhau.
Thôn Suối Chín Ván, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có 101 hộ, 456 khẩu người Hmong trắng và Hmong xanh.