Kỹ thuật đan mây tre của người Mnông tại xã Yang Yang Tao, Huyện Lắk, Tỉnh Đắk Lắk
Connected Heritage – A Cultural Heritage project aimed at
Equal development
Kỹ thuật đan mây tre của người Mnông tại xã Yang Yang Tao, Huyện Lắk, Tỉnh Đắk Lắk
Table of contents
Heritage address

INTRODUCE

Yang Tao là xã vùng III của huyện Lắk, nằm ở đầu cửa ngõ phía Bắc của huyện, cách trung tâm huyện Lắk khoảng 10 km về hướng đông, đường quốc lộ 27 chạy qua xã với chiều dài khoảng 6 km. Yang Tao có 11 buôn, trong đó 6 buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo thống kê, xã hiện có 10 dân tộc chung sống trên địa bàn, đông nhất là người Mnông chiếm tỉ lệ 92,8%, rồi đến người Kinh, Êđê, Gia rai, Tày, Nùng, Thái, Dao, Hmông, Mường.

Người Mnông ở Yang Tao chủ yếu thuộc nhóm Mnông Rlăm, là cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời ở vùng này. Hoạt động kinh tế truyền thống của người Mnông chủ yếu là nền kinh tế tự túc tự cấp dựa trên hoạt động canh tác nương rẫy, một bộ phận canh tác lúa nước, săn bắn. Hoạt động trao đổi truyền thống là vật đổi vật, sự định giá tài sản dựa trên thước đo dân gian: bằng gùi, gang tay, sải tay, cánh tay. Trong quá trình phát triển, cộng đồng này đã tạo nên những nét văn hóa độc đáo, và được lưu giữ cho đến ngày nay, ví dụ như nghề làm gốm, nghề đan lát, và các giá trị văn hóa phi vật thể khác như hát dân ca, cồng chiêng.

Nghề đan mây tre đã có từ lâu trong cộng đồng người Mnông Rlăm, và chủ yếu là dành cho người đàn ông. Các vật dụng phục vụ cho đời sống hàng ngày như gùi, nong nia, rổ rá đều là những sản phẩm quen thuộc được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của những người đàn ông Mnông. Ngay từ khi 6-7 tuổi, các bé trai đã biết phụ cha xếp nan, chẻ tre, cho tới việc tập đan những vật dụng đơn giản, dần dần thông thạo thì sẽ làm ra những sản phẩm hoàn thiện, chỉn chu hơn. Những vật dụng sinh hoạt hàng ngày thường không có hoa văn, hoặc các mẫu hoa văn đơn giản như những đường diềm ngang được tạo bởi những chiếc nan đã được nhuộm màu. Nhưng có nhiều đồ đan, đặc biệt là gùi, có hoa văn tinh xảo có giá trị hơn hẳn các loại khác. Tuy vậy, không phải người đàn ông nào cũng biết đan những sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao như gùi, nia, đó bắt cá, , vv.

Câu chuyện về nghề đan lát của người Mnông cũng gắn với quá trình trao đổi hàng hóa, giao thương giữa cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên bởi sản phẩm mây tre ngoài việc phục vụ nhu cầu gia đình còn được dùng để trao đổi lấy thực phẩm, hàng hóa khác. Ngoài ra, nó cũng cho thấy mối liên hệ và văn hóa ứng xử của con người đối với thiên nhiên, môi trường xung quanh.

Đan mây tre từng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống thường ngày của đồng người Mnông Rlăm tại xã Yang Tao, huyện Lắk, thế nhưng nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến mất vì nhiều lý do khác nhau. Những người thạo nghề và đang duy trì nghề hầu hết đã trên 50 tuổi, phần lớn người trẻ trong cộng đồng hầu như không biết và cũng không mặn mà với nghề thủ công truyền thống này. Những hoa văn mang tính thẩm mỹ cao trên những sản phẩm đan truyền thống chỉ còn một vài người biết. Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm đồ đan cũng gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân đan lát ở đây cũng chia sẻ nỗi lo lắng về nguy cơ thất truyền kỹ thuật đan lát truyền thống.

Bài viết này tổng hợp nội dung liên quan đến kỹ thuật đan mây tre của người Mnông Rlăm ở Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk thông qua các cuộc điền dã, trò chuyện với cộng đồng và tham khảo một số bài nghiên cứu, bài báo liên quan. Cùng với video tư liệu, nội dung này cũng góp phần giới thiệu về kỹ thuật đan mây tre của người Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, đồng thời đây cũng sẽ là một tài liệu tham khảo cho việc bảo tồn, truyền dạy nghề thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ trong cộng đồng này.

NGHỀ ĐAN MÂY TRE CỦA NGƯỜI MNÔNG RLĂM TẠI XÃ YANG TAO, HUYỆN LẮK

Để tạo ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh và có tính thẩm mỹ cao đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, có kinh nghiệm và mất khá nhiều thời gian. Vật dụng đơn giản cũng phải mất ít nhất hai ngày, cho đến những vật dụng phức tạp mất khoảng từ 10 ngày đến nửa tháng. Quá trình đan lát trải qua nhiều công đoạn, từ chọn nguyên vật liệu, xử lý chống ẩm mốc, mối mọt, đến đan thành phẩm.

Dụng cụ nghề đan mây tre

Bộ dụng cụ nghề đan mây tre của người Mnông gồm có:

+ Xà gạc (kgă): có nhiều loại, loại dùng để chặt tre trên rừng, chẻ nan, hay loại dùng cho việc vót nan. Xà gạc được làm từ gốc tre già, phần đầu gốc tre là nơi dùng để tra lưỡi, lưỡi xà gạc thường có hình chữ nhật và được rèn bằng sắt, mũi bằng.

+ Dao vót nan (pêh): lưỡi dao có hình chiếc lá, đầu nhọn, sắc bén, cắm vào cán tre đặc, cán dài đủ tầm để kẹp vào sườn, nách người thợ khi vót nan. Đây là một công cụ không thể thiếu của họ.

+ Dùi đục nhỏ: bằng kim loại, có đầu nhọn, dùng để dùi lỗ khi xỏ, buộc cạp dây mây.

+ Thanh gỗ (mŏng pơng): dài tầm gang tay, dùng để gõ đầu dùi đục, dồn các nan đan khít lại với nhau.

+ Kìm (pen): dùng để kéo chặt sợi mây, tạo độ chắc khi buộc cạp.

+ Bút chì (kră yŏng): Dùng để đánh dấu khoảng cách các mối nan.

+ Khung định hình (wang sah): dùng để định hình kích thước gùi cần đan, được làm sẵn bằng tre, nứa giúp cho việc đan được tiện lợi.

Quy trình

Lựa chọn và xử lý nguyên vật liệu

Lựa chọn nguyên liệu:

Nguyên liệu chính là tre, nứa và mây, có sẵn tại địa phương. Để chọn nguyên liệu, thông thường đàn ông trong buôn phải thức dậy từ tờ mờ sáng lên núi chọn cây.

Đối với tre, họ thường chọn những cây tre có độ tuổi từ 3 năm trở lên, vì nếu tre non thì rất giòn, dễ gãy và chỉ chặt vào những ngày cuối tháng không có trăng, bởi vì cây tre đầu tháng chứa nhiều nước nên khi sấy mất nhiều thời gian và dễ bị mối mọt. Đặc biệt, tre phải thẳng đều và dài thì mới cho ra sợi nan suôn mượt, để khi đan không phải nối nhiều đoạn.

Đối với nứa: Nứa khi lấy về không được chọn cây đốt ngắn vì như vậy sẽ khó cho việc pha, chẻ. Việc chọn nứa phải chọn nứa bánh tẻ, tức là những cây không quá già mà cũng không quá non (khoảng 12 tháng tuổi trở lên). Lúc này cây có đủ độ cứng, chắc, ít co ngót mà nan vẫn rất dẻo, dễ chẻ, dễ đan mà không mục, mọt có thể tạo ra những đồ dùng tinh xảo và trang trí các mảng hoa văn tùy hứng. Nếu chọn cây non sẽ dễ bị quắt hoặc cây quá già nan sẽ giòn, khó chẻ, khó đan dù cây già sẽ cho sản phẩm có độ bền chắc, thêm nữa khi sản phẩm hoàn thiện chất liệu nan đan thường bị co, tạo thành những kẽ hở ở sản phẩm.

Đối với mây: đây không chỉ là nguyên liệu dùng làm nan đan lát mà còn dùng làm quai gùi, cạp có độ bền và mang tính thẩm mỹ cao. Riêng dây mây, người thợ để từng đoạn dài dọc trên gác bếp khi cần mới lấy xuống, cắt ngắn theo từng kích thước cần thiết, đem nhúng nước, chẻ ra rồi dùng buộc. Khi phơi sợi mây gặp mưa thì sợi mây mất vẻ đẹp hoặc quá nắng sợi mây mất vẻ tươi. Có sợi mây phơi sấy tốt rồi, người chẻ mây nếu chẻ đôi, chẻ tư thì dễ nhưng chẻ ba chẻ năm, chẻ bảy mới thật khó. Sợi mây khi chẻ ra sợi nào cũng phải giống sợi nào. Vì vậy muốn có sợi mây để đan đòi hỏi người chẻ mây phải có tài, thật khéo léo và kỹ thuật.

Xử lý nguyên liệu:

Chẻ nan và chuốt nan: cũng mang yếu tố quyết định để hoàn thiện một sản phẩm đẹp. Chẻ nan mỏng hay dày là tùy thuộc vào sản phẩm sẽ được đan. Nan chẻ xong thì phải chuốt nan sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở. Nan chuốt xong đem treo lên giàn bếp trong một thời gian nhất định mới đan được, tạo thành màu nâu sẫm, màu vàng đậm hoặc màu mận chín đẹp. Cũng có thể dùng khói hun chống mốc, mọt cho cả nan và sản phẩm nan. Các sản phẩm đang dùng sau mỗi lần sử dụng người ta thường gác lên vách bếp, gác bếp để hong khói thì sản phẩm dùng sẽ bền hơn.

Đan

Tạo hoa văn trên các sản phẩm là công đoạn rất quan trọng, thể hiện tài năng, sự khéo léo, thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan. Những sợi nan dùng để tạo hoa văn được cất riêng, vót trước khi đan. Loại nan này tạo màu bằng cách xát lá rừng lên từng sợi. Đó là loại cây thuộc họ dây leo, lá tròn, có nhựa dính mang về giã nát rồi bôi lên những sợi nan, sau đó ngâm dưới bùn khoảng vài ngày, sợi lạt sẽ có màu đen bóng rất đẹp. Đặc biệt, nếu muốn tạo thêm màu khác chỉ cần quét chất liệu này lên và để trên gác bếp một thời gian sẽ thành ra màu nâu đậm; màu đậm hay nhạt tùy thuộc vào việc xát lá rừng nhiều hay ít. Hoa văn trên các sản phẩm đan lát như gùi, nia… thường theo mô típ hình kỷ hà để tạo ra vạn vật như hoa văn lá đậu (nirang ha tuh), hoa văn cành đa (rơ nook mbah jiri), hình đa giác, hình tam giác, hình vuông được tạo nên bởi phương pháp đan cài nan, kết hợp với nan hun khói, nhuộm màu…

Kỹ thuật đan chủ yếu là cài lóng mốt, đôi, ba hoặc cài nan hình lục giác kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp và tinh vi đầy sức sáng tạo,… Có nhiều dạng hoa văn đơn giản như hình xương cá, quả trám, hình lượn sóng đan xen xung quanh thân và theo mảnh. Tông màu chủ yếu là màu da lươn qua xông khói bếp (màu nâu nhạt), màu đen từ ngâm bùn, chà than củi bên ngoài tạo độ bóng.

Tất cả các sản phẩm khi hoàn thiện đều được đặt trên dàn bếp lửa để hun khói tạo thêm độ bền cho sản phẩm.

Các bước đan gùi:

Sau khi các nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, người thợ sẽ tiến hành đan gùi. Gùi được đan theo khối trụ hình tròn – là hình dạng đặc trưng của gùi Mnông ở huyện Lắk, gồm ba phần: thân, đế và miệng gùi, ngoài ra còn có dây quai. Thông thường thì gùi của người Mnông cao khoảng 50 – 60 cm, miệng hình tròn, dáng thon gọn, đáy nhỏ hơn miệng và nhiều kích cỡ khác nhau. Với mỗi loại gùi tuỳ theo đối tượng và công năng sử dụng riêng. Chẳng hạn như gùi để đi lấy củi, hái rau rừng thì phần ở giữa thân gùi thường được đan thưa, có nhiều ô hình lục giác (rộng khoảng 3 – 4 cm). Còn gùi thân tròn, toàn thân được đan một lớp nan dày (có thể có nắp hoặc không có nắp đậy).

Phần thân gùi (săk sah): Gùi được dựng khung bằng những chiếc nan thẳng đứng và đan từ dưới chấn đế lên, bẻ quặp nan dần cho thành hình vuông của đáy gùi, vừa đan đế vừa dựng khung gùi. Sau đó, người thợ chuyển sang bước đan cao dần lên thân gùi, các nan lần lượt qua trái, qua phải từng sợi một. Người thợ dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc đan thân gùi. Trên thân gùi, họ đan các đường viền trang trí đơn giản bằng những sợi nan màu đen, màu vàng hoặc màu nâu chạy song song đều đặn cách nhau khoảng 5 – 10 cm, tùy vào từng loại gùi khác nhau.

Miệng gùi (năp sah): Khi đan tới vành miệng, nẹp thêm thanh tre và uống thành vòng tròn quanh miệng, buộc bằng những sợi mây nhỏ cho chắc chắn. Cứ một đoạn được cạp bằng những dây mây song song cách đều, lại bỏ trống một đoạn tương ứng lặp đi lặp lại cho hết vòng tròn.

Phần đế gùi (joăng sah): Sau khi đan xong thân gùi, người thợ sẽ tiến hành làm đế gùi. Ðế gùi thường được làm bằng các loại gỗ mềm hoặc dùng bốn thanh tre già chắc siết chặt ở 4 góc đế để tạo điểm tựa vững chãi, không bị đổ khi được thả xuống. Người Mnông thường lấy gỗ cây thuốc cá – ana păm để làm đế gùi. Đầu tiên, miếng gỗ “ana păm” sẽ được róc bỏ phần không cần thiết, bào mỏng gỗ và ngâm vào nước cho dễ uốn. Ngâm xong, người thợ sẽ uốn miếng gỗ thành hình chữ thập theo viền của 2 thanh tre đã được bắt chéo cố định gùi (kuê sah) ở đế. Ngoài gỗ ra, người thợ còn dùng bốn thanh tre già chắc siết chặt bằng dây mây ở bốn góc để tạo điểm tựa vững chãi, gùi không bị đổ khi được đặt xuống.

Dây quai: Dây quai gùi được làm từ nhiều sợi dây mây nhỏ, đan bắt chéo nhau thật khít để tạo độ bền chặt. Phần đầu dây quai đeo phải được đan rộng hơn phần cuối dây nhằm tạo sự thoải mái, tránh bị đau vai khi mang các vật nặng. Phần đầu được buộc vào với thân gùi, sát gần với phần miệng gùi bằng cách dùng mũi dùi kim loại nung nóng đục thủng hai lỗ hai bên, rồi luồn dây mây và buộc bắt chéo bằng những sợi mây nhỏ cho chắc chắn đầu quai. Một đầu dưới còn lại được luồn qua đế gỗ bằng một đoạn bằng dây mây ngắn.

Khi đan xong, những chiếc gùi, được người đàn ông Mnông xử lý theo cách truyền thống, đơn giản mà không tốn kém đó là gác trên giàn bếp vừa chống mối mọt vừa tạo màu bồ hóng cho sản phẩm, khoảng vài tuần sau mới mang dùng hoặc bán.

Đối với gùi thông dụng như gùi lúa, gùi củi…, hầu như người đàn ông nào cũng đan được, nhưng riêng gùi có nắp phải là nghệ nhân có tay nghề rất giỏi và có cách đan hơi khác, đan theo khối hình trụ tròn, nắp khum tròn chóp nón. Người thợ giỏi có thể đan hai lớp nan, đan nan nổi, đan cải nan nhuộm màu,… đều được. Trên nắp gùi người ta đan các dải hoa văn theo lối kép gồm hai đường viền khác nhau chạy song song đều đặn. Việc tạo hoa văn trên gùi có nắp không phải bằng cách quét sơn lên sau khi sản phẩm đã hoàn tất, mà tiến hành đồng thời trong khi đan. Các nan màu đen, màu đỏ theo ý của người nghệ nhân, sẽ được nhuộm trước, sau đó lần lượt cài vào và sẽ hiện dần trên sản phẩm. Những chiếc gùi có hoa văn giá trị trao đổi hoặc gìn giữ đều cao hơn hẳn gùi thường và dùng cất giữ vải vóc, váy áo, mền đắp, đồ trang sức, các vật dụng quý trong gia đình. Để đan một chiếc gùi có nắp hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian (từ 15 đến 30 ngày). Vì vậy, trong một buôn chỉ có một hoặc hai người biết đan loại gùi này, thậm chí không có phải trao đổi các tài sản khác như lúa, heo, bò để đến đổi gùi đưa về nhà sử dụng.

Sản phẩm

Sản phẩm đan mây tre ở đây khá đa dạng và phong phú. Sản phẩm chủ yếu là những vật dụng dùng cho sinh hoạt đời sống hằng ngày, như gùi, nong nia, đồ xúc cá, vv. Trong đó, gùi là vật dụng thiết yếu và phổ biến nhất của người dân trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Gùi được dùng để đựng thóc, ngô, lúa, rau củ và các loại hàng hóa. Các loại gùi thông dụng như gùi lúa, gùi củi, hầu như người đàn ông nào cũng có thể đan được, nhưng riêng gùi đựng của (gùi có nắp) hay sàng, nia và những sản phẩm được trang trí hoa văn cầu kỳ thì phải là nghệ nhân có tay nghề cao mới làm được. Các sản phẩm gùi, nong, nia… được đan từ những người thợ giỏi còn được dùng để trao đổi lấy các vật dụng cần thiết khác cho gia đình. Những người thợ giỏi sẽ được mời đến các gia đình khác trong cộng đồng để tham gia các công việc quan trọng của buôn. Đây cũng là một trong những niềm tự hào của gia đình, dòng họ người thợ đó.

Các sản phẩm đan lát hiện nay vẫn được đa số người dân trong xã sử dụng, đặc biệt là những chiếc gùi. Hàng ngày, trên những con đường ngoằn ngoèo của buôn làng, chúng ta dễ dàng nhìn thấy người lớn, trẻ em đeo gùi đủ kích cỡ đi lên rẫy, đi chăn bò… Ngoài ra, chiếc gùi còn hiện diện trong đời sống văn hóa của gia đình và cộng đồng như cưới hỏi, tang ma,…

KẾT LUẬN

Nghề đan lát truyền thống của người Mnông được lưu giữ bằng trí nhớ, truyền từ đời này sang đời khác và chủ yếu do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm để đan các vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Nguyên liệu chủ yếu được làm từ cây tre, nứa và mây và được lựa chọn theo kinh nghiệm. Với kỹ thuật đan theo kiểu cài lóng mốt, lóng đôi, lóng ba hoặc cài nan hình lục giác… cùng kết hợp lối kết nan, quấn nan rất phức tạp, tinh tế và đầy sức sáng tạo, người Mnông đã tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm đan lát từ tre, mây, nứa, lồ ô.

Trong bối cảnh hiện nay, nghề đan mây tre của người Mnông ở xã Yang Tao đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Lo lắng nghề bị thất truyền, nhiều người thành thạo nghề tại các buôn trên địa bàn xã Yang Tao đã và đang nỗ lực truyền nghề cho thế hệ trẻ. Song nghề đan thủ công truyền thống đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó và sự khéo léo, thế nhưng thu nhập từ nghề lại thấp và không ổn định. Do vậy, để duy trì và bảo tồn nghề truyền thống này, ngoài nỗ lực của những người truyền nghề còn cần có sự thúc đẩy từ những yếu tố và nhân tố khác như người học nghề, thị trường tiêu thụ, và nguồn nguyên liệu bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng Vũ Đình Lợi (1982), Đại cương các dân tộc Êđê, Mnông ở Đắk Lắk, Nxb Khoa học xã hội.

2. Ngô Đức Thịnh (2007), Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên, Nxb Trẻ.

3. Viện Nghiên cứu Văn hóa (2011), Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam, Tập 5: Nghề đan lát; nghề thêu, dệt; nghề làm giấy; đồ mã và nghề làm tranh dân gian, Nxb Khoa học xã hội.

4. Tỉnh ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk (2015), Địa chí Đắk Lắk, Nxb Khoa học xã hội.

5. Phạm Bảo Trâm và cộng sự (2020), Nghề đan lát của người Mnông Rlăm tại xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, truyền thống và thực tiễn, Đề tài khoa học, Bảo tàng Đắk Lắk.

6. http://baodaklak.vn/channel/9803/201812/dan-lat-nghe-thu-cong-truyen-thong-của-nguoi-mnong-5610956/

7. http://m.baodaknong.org.vn/lich-su-van-hoa/bao-ton-khoi-phuc-nghe-dan-lat-truyen-thong-của-dong-bao-m-nong-78308.html

IMAGE

H1. Đi lấy nguyên liệu

H2. Chọn nguyên liệu

H3. Xử lý nguyên liệu

H4. Bộ dụng cụ nghề đan 1

H5. Bộ dụng cụ nghề đan 2

H6. Bện quai gùi

H7. Đan quai gùi

H8. Vót nan

H9. Đan đáy gùi

H10. Đan thân gùi

H11. Phần đáy gùi

H12. Phần chân đế gùi

H13. Hoa văn và kiểu đan 1

H14. Hoa văn và kiểu đan 2

H15. Hoa văn và kiểu đan 3

H16. Dụng cụ đánh cá

H17. Gùi đựng lúa

H18. Gùi thưa

H19. Nia sảy gạo

H20. Hong sản phẩm trên giàn bếp

H21. Gùi đất về làm gốm

H22. Trên cánh đồng Yang Tao

H23. Chân dung nghệ nhân Y Lu Sruk

VIDEO

KỸ THUẬT ĐAN MÂY TRE CỦA NGƯỜI MNÔNG TẠI XÃ YANG TAO, HUYỆN LẮK, TỈNH ĐẮK LẮK

https://youtu.be/-GgpGK7gyX8

Loading more

VĂN BẢN

Không tìm thấy dữ liệu
Was this article helpful?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

MAYBE YOU ARE INTERESTED
anh-Haplai
Hát ngâm của người Thái Dọ ở Nghệ An
ImageDocumentVideo
bia-bia
Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở Hà Giang
8d6e473f3334966acf25-coepy
Hoạ tiết trên Phục trang đặc trưng của Nghệ thuật Hát Bội - Giáp Nam và Giáp Nữ
Thumbnail
Mô hình hát - nói trong nghệ thuật Hát Bội Việt Nam
Nại Văn Vương. Thôn Tân Đức, Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận. 16
Dân ca Chăm tại Ninh Thuận
le-cung-bo23-1
Lễ cúng bò của người Hmong trắng
resize-21
Chạm bạc của người Dao Tiền (Ngân Sơn, Bắc Kạn)
IMG_4844
Dân ca của người Ba na ở KBang
Chia sẻ di sản
Share your project
Be a part of the project, participate in your local heritage contribution!
Log in

Log in