Brocade pattern in Chakleng village (My Nghiep village)
Connected Heritage – A Cultural Heritage project aimed at
Equal development
Brocade pattern in Chakleng village (My Nghiep village)
Table of contents
Heritage address

INTRODUCE

Có thể tìm thấy hoa văn thổ cẩm trên hầu hết trang phục truyền thống của người Chăm. Từ khăn quấn đầu đến đai áo, thắt lưng, cổ tay, diềm váy, đôi khi là cả một chiếc váy dành cho nghi lễ được phủ kín bởi những mô típ màu sắc rực rỡ lấy cảm hứng từ những hình ảnh thân thuộc trong đời sống hằng ngày. Nghề dệt thổ cẩm vốn từ xưa đã có vị trí quan trọng trong nếp nhà Chăm, chủ yếu do người phụ nữ thực hiện, để đóng góp thêm vào kinh tế gia đình. Dấu vết này có thể được tìm thấy qua các tác phẩm văn học dân gian như Ariya Kabbon Muk Thruh Palei – Thơ Bà tổ ấm Quê hương, trích đoạn: 


“Anưk thrơm hakak thrơm dwơn

Mưng njơp kabbon mơy dauk dara

Mưng yah khing ngap gruk hit

Thrơm bita-it, thrơm bipagaih

Mơy dwah urang jak ghơh

Mưgru đaum piơh tal hu pathang

Mưgru baik di urang

Tơl hu pathang mơy jwai cakauh…”

Tạm dịch: 

Em tập đong, tập dệt

Mới đúng sách dạy con gái

Khi em muốn tập làm

Gắng tập cho tinh cho thuần thục

Em tìm người khôn khéo

Học cho thuộc đợi lúc có chồng

Nhớ kỹ để mang dùng

Đến lúc có chồng đừng quên mất…

Cô Lâm Nữ Minh hiện là phó giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, phụ trách phần kỹ thuật và sản phẩm. Cô từng làm bác sĩ, nhưng khi nghỉ hưu cô quyết định không mở phòng khám tư mà cộng tác với Hợp tác xã. Mẹ cô Minh mới mất. Khi còn sống, mẹ cô là một nghệ nhân dệt thổ cẩm được nhiều người biết đến. Cô Minh chia sẻ: 

“Đầu tiên, người muốn tạo ra một sản phẩm phải có kế hoạch trước, chuẩn bị bao nhiêu chỉ để dệt nên sản phẩm đó, bao nhiêu chỉ hoa, bao nhiêu chỉ nền. Sau khi lên khung dệt rồi mình lại lên go hoa, sau đó mới bắt đầu dệt. Lên go hoa là công đoạn phức tạp nhất trong cả quy trình vì từng loại hoa văn lại có cách lên go riêng, lên go sai là hoa văn sẽ không thành hình. Để tạo nên một hoa văn mới cần rất nhiều công sức. Nên khi không còn làm nghề tay phải nữa, mình muốn làm một cái gì đó để những gì mẹ biết không bị mai một, để sau này còn truyền lại cho con gái mình. ”

Cách lên go – tức là cách thức tách, xếp chỉ để tạo hoa văn – được truyền từ mẹ cho con gái trong nhà. Nếu nhà nào không dệt nữa thì coi như các hoa văn trong nhà sẽ mất. Nếu không có nỗ lực tổng hợp, lưu trữ và truyền dạy, các mô típ hoa văn truyền thống của thổ cẩm Chăm rất có thể sẽ chỉ còn tồn tại trên các sản phẩm đã hoàn thành. Các sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm rất đa dạng về công năng, nhưng chủ yếu có hai hình thái chính: khung dệt dài danưng mưnhim jih dalah  tạo ra các tấm vải khổ hẹp, có thể dùng làm cạp váy, viền khăn hoặc đai lưng; khung dệt ngắn danưng mưnhim aban khơn tạo ra các tấm vải khổ rộng dùng làm khăn, váy hoặc vải may quần áo tuỳ thích. Do có nguồn gốc là nghề thủ công phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, các hình thái hoa văn truyền thống của thổ cẩm Chăm đã phát triển đa dạng đến mức có thể được dùng để làm dấu chỉ cho giới tính, tuổi tác, vai trò thứ bậc xã hội của người mặc. Mỗi hoa văn đều mang một câu chuyện và mục đích riêng của chúng, được hiểu chung trong cộng đồng như một bộ quy ước mang giá trị truyền thống.

Câu chuyện hoa văn thổ cẩm làng Chakleng được chú Phú Văn Ngòi và cô Lâm Nữ Minh giới thiệu. Những hình ảnh, câu chuyện còn có sự đóng góp chia sẻ của các nghệ nhân và các bạn gái, chị gái đang theo học dệt hóa văn thổ cẩm tại Hợp tác xã Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bao gồm Đạt Thị Nam, La Thị Xuân, Lưu Thị Em, Lưu Thị Kim Tuyến, Thạch Thị Loan, Thiên Thị Mỹ Thuận, Thiên Thị Nga, Thuận Thị Trào, Trượng Thị Quyến, Thiết Thị Tràng, Quàng Thị Cúc, Vạn Thị Bạch, Vạn Thị Thạng. 

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Community Rules.

IMAGE

Bingu mưta kagaik – Hoa văn hình răng cưa

Mô phỏng hình răng cưa, hoa văn này có tính ứng dụng rộng rãi khi được kết hợp làm viền cho jih tức là cạp váy nhỏ, khi kết hợp cùng hoa văn mắt gà mưta mưnuk sẽ trở thành jih mưta mưnuk. Sản phẩm được dệt bằng khung dệt dài với bốn mẫu hoa văn tạo thành dải.

Bingu haraik – Dây leo

Hoa văn mô phỏng dây leo khi xưa được dùng làm dây cột, được dệt theo dải thành pansa – là cạp viền tấm đắp cho người quá cố cả nam và nữ, trong tang lễ có bốn tu sĩ hành lễ. Màu sắc thường dùng chỉ trắng đi kèm chỉ đỏ hoặc vàng, phần dưới tạo tua rua brui tơ với các tổ hợp màu trắng – đỏ, hoặc trắng – đỏ – vàng – xanh. Bingu haraik còn được dùng để dệt thành khan mbanh jih dùng làm viền ngang tà váy hoặc tang phục cho nam giới từ 80 tuổi trở lên, hoặc thành hlang mư thăm dùng làm viền dọc cho khăn đắp người quá cố cả hai giới. Ở dạng này bingu haraik được dệt bằng rất công thức mẫu có sẵn, xuất hiện dày dặc hơn, có thể dùng chỉ trắng hoặc chỉ vàng ánh kim để làm hoa văn.

Bingu bauh rabai – Đậu ván

Hoa văn mô phỏng hình trái đậu ván, là một loại hoa màu phổ biến tại Ninh Thuận. Bingu bauh rabai được dùng làm cạp viền tấm đắp cho nữ giới khi qua đời, thường sẽ dùng chỉ trắng đi kèm với chỉ đỏ hoặc vàng, phần dưới cạp viền để tua rua. Sản phẩm được dệt trên khung dệt dài thành dải.

Bingu Ganwơr Mưtri đik Cagwơr – Thần Shiva cưỡi chim trĩ

Hoa văn tái hiện lại hình thần Shiva hai tay cầm chén lửa, cưỡi chim trĩ biểu tượng của lửa và thần Mặt trời. Lửa và thần Shiva mang tinh thần phá huỷ và sáng tạo song song, mang tính biểu tượng trong tôn giáo và thần thoại của người Chăm Bà-la-môn. Sản phẩm được thực hiện trên khung dệt dài có hai người vận hành với công thức tách, xếp chỉ hoa văn đã thiết kế trước, ứng dụng làm tranh treo tường, túi thư hoặc ví đeo vai.

Bingu Poingu Inưgirai – Rồng

Hình ảnh rồng cách điệu xuất hiện trên trang trí kiến trúc, điêu khắc gốm Chăm từ khi sinh sống và tương tác cùng cộng đồng người Việt. Hoa văn này được thực hiện với cách thức tách, xếp chỉ đã thiết kế trước, do phức tạp nên người dệt không thể thuộc được công thức. Sản phẩm được thực hiện trên khung dệt dài thành dải, có hai người vận hành cùng lúc.

Bingu bimong – Hoa văn hình tháp

Kiến trúc tháp Champa vẫn luôn là niềm tự hào của người Chăm. Hoa văn hình tháp mô phỏng rõ nét 3 tầng cấu trúc tháp Champa thực tế, được nghệ nhân Phú Thị Mở phục hồi từ 1 tấm pansa cổ. Sản phẩm được dệt bằng khung dệt dài với 13 go – lấy mẫu go số 7 làm tâm điểm để hoa văn có sự đối xứng phải trái, trên dưới. Sản phẩm hoàn thiện theo dạng dải, hiện được dùng làm dây đeo đàn guitar hoặc viền áo tuỳ kích cỡ.

Bingu mưta mưnuk – Mắt gà

Gà thường được dùng làm lễ vật trong phong tục cúng tế của người Chăm, do người Chăm không dùng thịt heo hay thịt bò. Hoa văn này được thể hiện đa dạng nhiều cách phối màu, khi dùng dệt viền ngang lưng váy tu sĩ thành jih mưta mưnuk, khi dùng dệt viền dọc tà váy có thêm tua rua trắng thành nrang mưta mưnuk dùng cho tu sĩ hoặc người lớn tuổi. Được dệt trên khung dệt dài thành dải, phần đường viền của hoa văn có thể mang nhiều màu sắc khác nhau tuỳ ý thích người dệt.

Bingu ritaih – Hoa bốn cánh

Hoa văn này có phần tương tự với bingu kamang, do có bố cục và màu sắc khác nên có thể dùng trên trang phục của người bình thường, xuất hiện trên váy phụ nữ. Sản phẩm được dệt trên khung ngắn cho khổ vải rộng, hoa văn nổi lên trên mặt phải vải ở trên khung. Người dệt sẽ dùng hai thanh tre gọi là banh bingu để sắp xếp bố cục chỉ tơ tạo thành hoa văn.

Bingu kamang – Hạt lúa nổ, bỏng lúa hay nếp

Bỏng lúa hay nếp là lễ vật thường xuất hiện trong các nghi lễ Chăm từ lớn đến nhỏ. Bingu kamang được dệt thành chăn hay váy gọi là aban kamang, chỉ dành cho các muk rija mặc khi múa hành lễ trong tộc họ, không xuất hiện trên bất kỳ sản phẩm nào khác. Màu sắc quy định cho aban kamang là nền đen sọc trắng – đỏ hoặc nền đen sọc trắng, hoa văn trắng. Sản phẩm được dệt trên khung dệt ngắn theo mặt trái vải, hoa văn sẽ nổi lên trên mặt phải ở dưới khung. Chỉ có phụ nữ mãn kinh hoặc chính muk rija của dòng họ mới được dệt aban kamang, người dệt cũng có một số kiêng kỵ nhất định.

Bingu hơng – Con Trão

Hoa văn hình Trão, tức là rồng Champa hay Ciim Hơng, là hình tượng vật thiêng trong tư duy người Champa cổ. Hoa văn này được dệt thành bi-yor hep, tức viền váy phụ nữ dùng trong tang lễ lớn, trong đó có sự tham gia của bốn tu sĩ. Sản phẩm có thể có nền bằng chỉ đỏ, màu hoa bằng chỉ trắng hoặc trắng – vàng – lục – lam thay đổi theo ô. Sản phẩm được thực hiện trên khung dệt dài thành dải, có tua rua trắng trang trí.

Bingu takuai katrau - Hạt cườm bồ câu

Hoa văn này mô phỏng lại dòng hạt lấp lánh trên cổ bồ câu. Bingu takuai katrau thường được dùng để kết hợp xen kẽ hoặc viền các hoa văn khác trên cùng một thiết kế, được dệt trên khung dệt dài thành dải.

Tổng hợp 6 hoa văn khác nhau, tên các hoa văn từ trái qua phải: Bingu takai asuw, Bingu tamun, Bingo gơr wak, Bingu blung, Bingu kacak, Bingu mưnwis.

Bingu takai asuw - Chân chó Hoa văn này mô phỏng lại lá của cây chân chó, cũng được đặt tên theo hình dáng của lá giống vết chân chó, có rễ và hạt được dùng làm dược liệu. Bingu takai asuw thường được kết hợp với bingu tamun, là hoa văn quả trám, dùng trên tấm đắp hoặc thắt lưng cho di hài trong tang lễ, ngoài ra vẫn có thể dùng bộ hoa văn này trong đời sống thường nhật. Sản phẩm được thực hiện trên khung dệt dài thành dải. Bingu tamun - Quả trám Hoa văn cơ bản hình quả trám, được dùng làm nền cho khăn quấn đầu, dây thắt lưng hoặc dệt thành vải may trang phục. Bingu tamun có thể được sắp xếp thành tamun đơn, tamun đôi hoặc tamun wang – wang có nghĩa là vây quanh. Sản phẩm được dệt trên khung dệt dài thành dải hoặc khung dệt ngắn để làm vải khổ lớn. Bingu gơr wak – Móc neo thuyền Phản ánh tầm quan trọng của ngành hàng hải trong tâm thức người xưa, hình ảnh chiếc móc neo thuyền đã được mang vào trang phục truyền thống Chăm dưới dạng hoa văn. Gơr wak được dẹt xen kẽ với tamun, là hoa văn quả trám, và takai asuw, là hoa văn chân chó, trên dây thắt lưng, khăn trải bàn hoặc các vật dụng sinh hoạt hằng ngày khác. Sản phẩm được thực hiện trên khung dệt dài thành dải. Bingu blung - Bong bóng Cây lồng đèn từng mọc dại quanh làng, được trẻ con yêu thích gọi là trái bong bóng. Bingu blung thường xuất hiện trên dây viền hoặc dây thắt lưng, được dệt trên khung dệt dài thành dải, kết hợp cùng các dạng hoa văn cơ bản khác. Bingu kacak – Thằn lằn Kacak là tên tiếng Chăm của con thằn lằn và cũng là tên cây gai ma vương, hay cỏ hạt gai, thường mọc dọc vùng duyên hải miền Trung. Hoa văn này thường được dệt thành sản phẩm trên khung dệt dài thành dải, có bố cục đơn giản lấy chỉ màu đậm làm nền, chỉ trắng làm hoa văn. Bingu mưnwis - Hình người Hoa văn mô phỏng hình dạng con người, thường được dệt trên dây thắt lưng nam giới. Hoa văn này là một trong số hoa văn trong bộ hoa văn cơ bản mà người dệt thổ cảm nào cũng cần biết bao gồm tamun, hoa văn quả trám; takai asuw, hoa văn chân chó; blung, hoa văn bong bóng; mưnwis, hoa văn hình người. Sản phẩm được dệt trên khung dệt dài thành dải.

Tổng hợp 3 hoa văn khác nhau, tên các hoa văn từ trái qua phải: Bingu tamun, Bingu takai asuw, Bingu tamun - Quả trám, Bingu gơr wak. Hai bên viền là hoa văn Bingu mưta mưnuk. Mẫu này dệt trên khung dài bao gồm 18 go, trong đó 14 go dệt ba hoa văn phía trong, 4 go còn lại dệt hoa văn hai bên viền và thường được sử dụng làm dây lưng hai lớp.

Bingu tamun - Quả trám Hoa văn cơ bản hình quả trám, được dùng làm nền cho khăn quấn đầu, dây thắt lưng hoặc dệt thành vải may trang phục. Bingu tamun có thể được sắp xếp thành tamun đơn, tamun đôi hoặc tamun wang – wang có nghĩa là vây quanh. Sản phẩm được dệt trên khung dệt dài thành dải hoặc khung dệt ngắn để làm vải khổ lớn. Bingu takai asuw - Chân chó Hoa văn này mô phỏng lại lá của cây chân chó, cũng được đặt tên theo hình dáng của lá giống vết chân chó, có rễ và hạt được dùng làm dược liệu. Bingu takai asuw thường được kết hợp với bingu tamun, là hoa văn quả trám, dùng trên tấm đắp hoặc thắt lưng cho di hài trong tang lễ, ngoài ra vẫn có thể dùng bộ hoa văn này trong đời sống thường nhật. Sản phẩm được thực hiện trên khung dệt dài thành dải. Bingu gơr wak – Móc neo thuyền Phản ánh tầm quan trọng của ngành hàng hải trong tâm thức người xưa, hình ảnh chiếc móc neo thuyền đã được mang vào trang phục truyền thống Chăm dưới dạng hoa văn. Gơr wak được dẹt xen kẽ với tamun, là hoa văn quả trám, và takai asuw, là hoa văn chân chó, trên dây thắt lưng, khăn trải bàn hoặc các vật dụng sinh hoạt hằng ngày khác. Sản phẩm được thực hiện trên khung dệt dài thành dải. Bingu mưta mưnuk – Mắt gà Gà thường được dùng làm lễ vật trong phong tục cúng tế của người Chăm, do người Chăm không dùng thịt heo hay thịt bò. Hoa văn này được thể hiện đa dạng nhiều cách phối màu, khi dùng dệt viền ngang lưng váy tu sĩ thành jih mưta mưnuk, khi dùng dệt viền dọc tà váy có thêm tua rua trắng thành nrang mưta mưnuk dùng cho tu sĩ hoặc người lớn tuổi. Được dệt trên khung dệt dài thành dải, phần đường viền của hoa văn có thể mang nhiều màu sắc khác nhau tuỳ ý thích người dệt.

Chih Mưk

Hoa văn này không dịch được nghĩa tương đương. Hoa văn này thường được sử dụng để làm viền váy hay viền áo. Từ go này có thể dệt thành hoa văn bingu mưta mưnuk, là hoa văn mắt gà.

Tuk Mưk

Hoa văn này không dịch được nghĩa tương đương. Hoa văn này thường được dệt trên khung ngắn và làm thành tấm, dung thành chăn đắp hoặc váy cho phụ nữ Chăm.

Chân dung thợ dệt đang làm việc

Trang phục nghi lễ

Ngoài việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dệt truyền thống của người Chăm, Hợp tác xã Mỹ Nghiệp đã sưu tập một số trang phục của chức sắc Chăm Bà-la-môn và hiện đang trưng bày ngay tại không gian của Hợp tác xã. Ông Phú Văn Ngòi, Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Nghiệp chia sẻ: “Trang phục chức sắc Chăm Bà-la-môn hết sức đa dạng và phong phú. Mỗi chức sắc tu sĩ sẽ có bộ trang phục riêng nhằm dễ dàng nhận biết về cấp bậc. Trong những năm gần đây khi chưa có dịch Covid-19, Hợp tác xã đã đón tiếp rất nhiều khách du lịch và một số vị khách có hỏi tôi vì sao không dùng thêm các trang phục của dân tộc mình để quảng bá và thu hút khách hàng. Tôi luôn suy nghĩ về câu hỏi này và từ đó ấp ủ mong muốn hệ thống hóa các trang phục của người Chăm để chia sẻ thông tin với những thành viên cộng đồng cũng như các vị khách đến tham quan và làm việc với Hợp tác xã. Đây như một cách lưu giữ các sản phẩm truyền thống, từ đó góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Chăm trong cộng đồng. Năm 2021, trong lúc diễn ra giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, các công việc của Hợp tác xã chậm lại một chút, tôi cùng anh chị em xã viên đã cùng ngồi lại và hiện thực hóa mong muốn này. Ý tưởng là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chúng tôi đã gặp một số khó khăn về tài chính. Thêm nữa, theo quan điểm của một số người, việc trưng bày thế này phù hợp với bảo tàng hay trung tâm nghiên cứu hơn là đặt ở Hợp tác xã, một địa điểm sản xuất và kinh doanh sản phẩm. VÌ vậy, tôi đã tổ chức nhiều buổi họp bàn, gặp gỡ và trao đổi để thuyết phục bà con cũng như đến gặp các chức sắc để được tư vấn, sau đó cũng đi học hỏi kinh nghiệm trưng bày trong các bảo tàng ở tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Thuận. Điểm đặc biệt của bộ sưu tập này là thay vì sử dụng tượng hay giá gỗ trưng bày, chúng tôi đã làm thêm các tượng gốm phỏng theo hình dáng của các vị chức sắc. Các tượng gốm này được thực hiện tại làng Bàu Trúc, một làng nghề thủ công truyền thống nổi bật của người Chăm. Tôi rất vui vì với ý tưởng này, tôi đã kết hợp thành công và giới thiệu được hai nghề truyền thống là thổ cẩm và làm gốm. Sau khi ra mắt, tôi rất vui khi bà con đều đón nhận, khách du lịch cũng như các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Vì vậy tôi càng có thêm động lực để tiếp tục và bổ sung các trang phục hằng ngày của người Chăm.”

Poadhia – Cả sư

Poadhia tên tiếng Việt là Cả sư, là người có chức vị cao nhất trong tầng lớp chức sắc Chăm Bà-la-môn. Bộ trang phục của Poadhia bao gồm khăn đội đầu khan mutham taibi, áo dài trắng aw kwah, chăn hoa văn khan banchih, dây lưng taley kaing tamun và khăn vác vai màu đỏ siep phôn và khăn vắt vai vàng kadung.

Ong Kadahr - Thầy kéo nhị

Ong Kadahr có tên tiếng Việt là thầy kéo nhị hay thầy đàn. Ông có vai trò hướng dẫn sắp đặt lễ vật, kéo đàn kanyi và hát thánh ca trong các lễ cúng. Khi hành lễ, Ong Kadahr quấn khăn đội đầu khan mutham taibi, mặc áo dài trắng xẻ tà aw sah, quấn chăn có hoa văn khan banchih giống như Cả sư, đeo dây lưng taley kaing mata mannuk và quàng khăn đỏ siêp phôn và khăn vắ vai vàng kadung.

Ong Mâduen - Thầy vỗ

Ong Mâduen có tên tiếng Việt là thầy vỗ. Trong các lễ cúng, ông sẽ hướng dẫn sắp đặt lễ vật, vỗ trống Paranưng và hát thánh ca. Bộ trang phục khi hành lễ bao gồm khăn đội đầu khan mutham taibi, áo aw cúc kèn, chăn khan murang, khăn vác vai siep likay cam, dây lưng trắng ta ley kaing bôn.

Ong ing - Thầy Bóng

Bộ trang phục của thầy bóng bao gồm khăn khan mutham taibi, áo trắng aw bôn và áo đỏ aw phôn trong đó áo trắng mặc phía trong, áo đỏ mặc phía ngoài cùng với chăn khan murang, dây lưng taley ing mata manuk và khăn đỏ vác vai siep phôn.

Muk Pajau – Bà bóng

Muk Pajau là bà bóng của người Chăm. Trong các lễ cúng, bà quấn khăn khan hluh, mặc áo dài trắng aw sah cùng chăn váy aban cam, dùng khăn cầm tay siep phôn.

Muk Rija – Bà vũ sư

Muk Rija là bà vũ sư hay bà bóng tộc họ. Khi làm lễ, lễ phục của Muk Rija bao gồm khăn khan matham kamay, áo dài đỏ aw phôn kamay cam, chăn váy aban cam và khăn cầm tay màu đỏ siep phôn.

VIDEO

Video interview

Loading more
Was this article helpful?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

MAYBE YOU ARE INTERESTED
DSC_5549
The ritual of cutting hair of the Cham Ba-ni
ImageVideo
giếng cổ
Ancient well of Cwah Patih village (Thanh Tin village)
untitled (16 of 39)
Ancient Cham texts
untitled (15 of 17)
Songs and dances in Cham rituals 
untitled (4 of 52)
Cham Pabblap
ẩm thực
Traditional Cham cuisine
Chia sẻ di sản
Share your project
Be a part of the project, participate in your local heritage contribution!
Log in

Log in