Giấy dó ở làng Đống Cao, Bắc Ninh
Connected Heritage – A Cultural Heritage project aimed at
Equal development
Giấy dó ở làng Đống Cao, Bắc Ninh
Table of contents
Heritage address

INTRODUCE

Chị Ngô Thu Huyền (sinh năm 1991) là một người làm giấy Dó ở làng Đống Cao, Bắc Ninh. Giấy Dó – một món đồ tinh tế, gắn với ký ức của nhiều người Việt Nam và gửi gắm tấm lòng của những người làm ra nó. Để làm được giấy Dó, đó không chỉ là công sức của một người thợ xeo Dó (người tráng giấy), mà là thành quả của một quá trình “làm việc nhóm”. Mỗi công đoạn khác nhau lại có sự tham gia hỗ trợ của một người trong gia đình, và những người khác trong làng được thuê để phụ cho những công việc chuyên biệt đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Ngô Thu Huyền ở lại thành phố và bắt đầu cuộc sống công sở. Nhưng rồi công việc 8 tiếng quay vòng không cho chị niềm vui. Chị rất nhớ xưởng giấy của ông nội (Giấy Dó Ngô Đức) trong làng, nhớ sân phơi ngày nắng thoang thoảng hương thơm. Khi chứng kiến cả làng Đống Cao chuyển sang sản xuất giấy công nghiệp theo xu thế thị trường, chị Huyền quyết định bỏ thành phố trở về quê học làm giấy Dó vì không muốn nhìn thấy sự biến mất của cái nghề mà ông bà đã dành tâm huyết suốt cả cuộc đời.

Chia sẻ của chị Huyền trên tạp chí Đẹp, bài viết “ Giấy Dó Ngô Đức – Đời người trên vuông giấy Dó”:

“Tôi lớn lên với nghề làm giấy. Ông bà nội tôi đều là những người làm giấy Dó và đã cho tôi tiếp xúc rất sớm với công việc này. Mỗi buổi trưa đi học về, tôi thường ngồi ở góc sân, nghịch ngợm mấy thứ đồ làm giấy mà ông chuẩn bị riêng cho tôi: một cái khuôn con con vừa bàn tay nhỏ, một chậu nước, ít bột giấy, chỉ thế thôi mà tôi ngồi chơi được hết cả buổi chiều. Sau này lớn hơn chút thì tôi phụ giúp ông bà phơi, tước, xếp giấy… Từ những việc như thế mà tôi dần có tình cảm và sự kết nối với giấy Dó một cách tự nhiên.

Năm 2015, trong một lần dọn lại tủ cho ông, thấy rất nhiều mẫu giấy cổ được lưu lại, tôi bỗng lo lắng, bố mẹ mình đã không làm giấy Dó, làng cũng không còn mấy nhà làm nữa, vậy ông tôi có thể sẽ là người cuối cùng làm những mẫu giấy này. Tôi muốn về làng để tiếp tục công việc ấy. Ban đầu, ông bà, bố mẹ đều phản đối vì họ hiểu rất rõ sự vất vả của nghề này, giấy Dó giờ đây không được sử dụng rộng rãi nên còn khó mang lại thu nhập ổn định. Tôi cũng băn khoăn nhiều, nhưng nỗi lo giấy Dó biến mất cứ trở đi trở lại khiến tôi kiên quyết trở về vào năm 2017.”

“Ngô là tên dòng họ, còn Đức là tên đệm trong chi nhỏ nhà tôi. Ông bà đi trước đã tạo dựng nên nền tảng về nghề thủ công, gồm kiến thức và kinh nghiệm từ quá trình làm việc. Thế hệ trẻ như tôi may mắn được kế thừa nền tảng ấy và có cơ hội tiếp giữ, phát triển nó. Vậy nên tôi chọn cái tên Ngô Đức, có thế hệ đi trước, có bản thân mình và mong đợi sự tiếp nối lâu dài về sau.”

“Ông nội dạy tôi những kiến thức và thực hành quy trình làm giấy, từ những bước đầu tiên cho tới khi hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Người xưa làm giấy để vẽ tranh, viết thư pháp, còn tôi lần đầu làm giấy Dó để viết Calligraphy và vẽ màu nước. Nếu ngày nhỏ tôi đứng nhìn ông làm, chạy loanh quanh giúp việc vặt thì giờ tôi tự làm, ông sẽ ở bên cạnh góp ý, trợ giúp. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ lại tuổi thơ êm đềm và đẹp đẽ đã trải qua bên cạnh ông bà. Tờ giấy đầu tiên ra đời, tôi cầm nó trên tay, ngửi mùi hương, nhìn kỹ những vân giấy và nhận ra: Tờ giấy mỏng manh thành hình sau bao ngày tháng nhờ bàn tay khéo khéo của người thợ vừa dai, bền, mỏng nhưng không nhòe mực khi viết, vẽ. Nếu được lưu giữ đúng cách, giấy sau hàng trăm năm vẫn vẹn nguyên như mới.”

“Khi tờ giấy ra khỏi xưởng là nó đã bắt đầu một cuộc đời mới. Tôi không biết trước được khách hàng sẽ dùng nó ra sao. Giấy sẽ được vẽ, viết, in ấn, làm sổ, trang trí, làm phông nền chụp ảnh… tùy thuộc vào sáng tạo của mỗi người, tôi rất mong chờ được ngắm nhìn những tác phẩm ấy. Giấy Dó có vẻ ngoài bình dị, nó không hề bắt mắt từ cái nhìn đầu tiên nhưng nếu chú tâm ngắm nghía và tìm hiểu, ta sẽ nhận ra những điều đáng quý ở nó: sắc nâu vàng lấp lánh dưới ánh sáng, sợi tơ mỏng mảnh mà trường tồn với thời gian… Ngắm nhìn giấy Dó, tôi còn thấy được cả cuộc đời những người dân quê mình. Khi còn nhỏ, họ tập viết, tập vẽ trên những tờ giấy Dó. Lớn lên, họ dùng giấy Dó để viết thư, ghi chép gia phả. Cuối đời, họ mang giấy Dó theo cùng mình trên hành trình mới. Các cụ già trong làng thỉnh thoảng gặp vẫn hỏi xin tôi mấy tờ giấy Dó để dành đưa vào áo quan khi họ rời xa cõi tạm.”

Thông tin giới thiệu và chú thích được đóng góp bởi người làm giấy Dó: Ngô Thu Huyền. Hình ảnh minh họa bằng màu nước vẽ trên giấy Dó Ngô Đức được thực hiện bởi hoạ sĩ: Nguyễn Cẩm Anh.

Toàn bộ thông tin được đăng tải trong Bộ sưu tập số Di sản Kết nối là do cộng đồng đóng góp và chỉ mang tính chất tham khảo. Chương trình không chịu trách nhiệm đối với mọi khác biệt so với thông tin được nêu trong Bộ sưu tập số cũng như miễn trách đối với mọi trách nhiệm pháp lý nảy sinh từ việc sử dụng thông tin từ Bộ sưu tập này. Tham khảo thêm tại Quy định cộng đồng.

IMAGE

Người làm giấy Dó ở làng Đống Cao

Giấy Dó có vẻ ngoài bình dị, nó không hề bắt mắt từ cái nhìn đầu tiên nhưng nếu chú tâm ngắm nghía và tìm hiểu, ta sẽ nhận ra những điều đáng quý ở nó: sắc nâu vàng lấp lánh dưới ánh sáng, sợi tơ mỏng mảnh mà trường tồn với thời gian.

Cây Dó giấy

Cây Dó giấy có tên khoa học là Rhamnoneuron balansae, thuộc họ Trầm Thymelaeaceae. Vỏ Dó được khai thác chủ yếu tại các vùng núi phía Bắc: Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên,... Phải chọn những cây bánh tẻ, vừa đủ độ lớn khoảng 3-4 năm tuổi để bóc. Cây non quá sẽ cho ít tơ sợi, cây già quá lại khiến tờ giấy bị cứng, không bóng đẹp.

Ngâm vỏ Dó

Trước khi đun nấu, vỏ Dó khô được ngâm trong nước làm mềm ra để dễ dàng xử lý. Cũng như những công việc thủ công khác, nghề làm giấy Dó bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Khi trời nóng, vỏ Dó thẩm thấu và mềm nhanh hơn.

Thùng nấu Dó

Vỏ Dó được buộc thành những bó nhỏ, giẫm qua nước vôi rồi xếp vào thùng nấu. Tất cả các lớp vỏ đều cần có vôi để có thể chín đều. Thùng Dó được đun sủi liên tục trên 10 tiếng và được ủ qua 1 ngày 1 đêm.

Nhặt vỏ Dó

Vỏ Dó đã chín mềm sẽ được vớt ra rửa sạch vôi hoàn toàn, để tránh việc phần vôi còn sót khi khô sẽ làm vỏ Dó bị cứng theo. Vôi cũng gây ăn tay khi nhặt vỏ Dó.

Nhặt vỡ

Vỏ Dó sẽ được nhặt qua 2 lần.
Lần 1 gọi là "nhặt vỡ":
- Phần lõi vỏ trong cùng mịn đẹp nhất để làm loại giấy Dó cao cấp nhất.
- Phần vỏ thứ hai, gọi là "lòng lươn".
- Phần vỏ xấu nhất gọi là "đẩy".
Những phần này vẫn được tận dụng làm các loại giấy thấp cấp hơn.

Nhặt seo

Sau khi nhặt vỡ, vỏ Dó được ngâm khoảng 2 ngày, chuẩn bị cho lần nhặt thứ hai. Nhặt Dó là một công việc tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Ngâm rửa xong, vỏ Dó được nhặt lần 2 (nhặt seo): loại bỏ các mấu mắt, vỏ đen còn sót lại. Giờ vỏ đã rất mềm nên chỉ cần rứt nhẹ, chứ không cần dùng dao nữa.

Bột Dó

Sau khi đã ngâm mềm, vỏ Dó được cho vào bể nghiền Hà Lan để nghiền nhỏ. Khi chưa có sự hỗ trợ của máy móc, người thợ làm giấy phải giã Dó bằng cối. Sau khi đã đãi rửa sạch, bột Dó được hòa kỹ cùng nước sạch và nước gỗ mò trong bể tráng giấy (tàu xeo giấy).

Chuẩn bị tàu xeo Dó

Người thợ sử dụng một tấm gỗ để hoà bột Dó cùng nhớt cây mò và nước trong bể. Gỗ mò (chi Clerodendrum) là một nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình làm giấy. Chất nhớt trong gỗ mò có tác dụng:
- Giúp bột giấy không lắng đọng xuống đáy bể tráng và phân tán đều trong nước.
- Liên kết các tơ sợi; làm bề mặt giấy đông đặc, mịn màng hơn.
- Dễ dàng tách các lớp giấy sau khi tráng.

Một bộ khuôn liềm xeo Dó

Khuôn liềm là loại khuôn xeo giấy (tráng giấy) truyền thống của Việt Nam. Một bộ khuôn bao gồm:
- Thớt trên
- Thớt dưới
- Liềm xeo

Xeo Dó

Công đoạn xeo giấy sẽ quyết định độ dày - mỏng - mịn của tờ giấy. Múc khuôn càng sâu tay, tờ giấy sẽ càng dày. Sau đó, nhẹ nhàng lắc khuôn để các tơ sợi đan xen vào nhau, rồi nhanh tay đổ nước để bề mặt giấy được mịn. Tờ giấy sẽ có thớ dọc và thớ ngang cũng nhờ việc lắc khuôn và đổ nước này.

Đống uốn

Sau khi giấy được tráng thành đống (đống uốn), sẽ được đưa vào đốn ép kiệt nước để có thể bóc từng lớp.

Đốn ép uốn

Việc ép nước phải được làm cẩn thận, từ tốn để nước thoát ra từ từ, nếu ép quá nhanh có thể làm vỡ đống uốn. Công việc này cũng tiêu tốn nhiều sức lực vì vậy ở xưởng giấy Dó của chị Ngô Thu Huyền, em trai chị sẽ đảm nhận công đoạn này vào buổi tối sau khi đi học về.

Bóc uốn 1

Tách từng lớp giấy ướt (bóc uốn): ở bước này, giấy sẽ được bóc riêng 1 lớp
hoặc kẹp 2 lớp, 3 lớp,... tùy theo yêu cầu về độ dày.

Bóc uốn 2

Vậy nên, khi nói “giấy bóc 1”, “giấy bóc 2”,... là đang nói về định lượng của tờ giấy.

Phơi giấy Dó

Giấy được phơi hoặc treo tại nơi thoáng gió, tránh ánh nắng quá gay gắt vì sẽ làm giấy Dó bị co rúm. Nhiều loại giấy Dó được các cô bác phơi ngoài sân với định lượng, kích thước và màu sắc khác nhau. Một số loại giấy có tráng kèm lá cây để trang trí.

Treo giấy Dó

Giấy Dó, đặc biệt là loại giấy Dó mỏng nhẹ như giấy Dó lụa, còn có thể được phơi khô bằng cách treo vắt lên các thanh tre, và đặt trong hiên nhà râm mát.

Xếp giấy Dó

Chọn các tờ giấy đủ chất lượng, xếp đống và đếm giấy là những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm.

Bé tập xếp giấy Dó

Tùy theo điều kiện thời tiết, thời gian để làm từ vỏ cây ra tờ giấy Dó sẽ mất khoảng 1 đến 1,5 tháng.

Một ngày của những người làm giấy Dó

Thành phẩm tờ giấy Dó không chỉ là công sức của một người thợ xeo Dó (người tráng giấy), mà là thành quả của một quá trình “làm việc nhóm". Mỗi công đoạn khác nhau lại có sự tham gia hỗ trợ của một người trong gia đình, và những người khác trong làng được thuê để phụ cho những công việc chuyên biệt đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.

DOCUMENT

No data found
Was this article helpful?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

MAYBE YOU ARE INTERESTED
anh-Haplai
Singing of Thai Do people in Nghe An
ImageDocumentVideo
bia-bia
Forest God Worship Ceremony of Pu Peo People in Ha Giang
8d6e473f3334966acf25-coepy
Patterns on the typical costumes of Hat Boi Art - Male and Female Armor
Hinh-anh-di-san.resize
Bamboo and rattan weaving techniques of the Mnong people in Yang Yang Tao commune, Lak district, Dak Lak province
Thumbnail
Singing and speaking model in Vietnamese Hat Boi art
Nại Văn Vương. Thôn Tân Đức, Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận. 16
Cham folk songs in Ninh Thuan
le-cung-bo23-1
White Hmong cow worship ceremony
resize-21
Silver carving of the Dao Tien people (Ngan Son, Bac Kan)
Chia sẻ di sản
Share your project
Be a part of the project, participate in your local heritage contribution!
Log in

Log in