Một nền văn hoá, một triều đại, một cộng đồng, dù có nỗ lực xây dựng, canh tác, chinh phạt đến đâu, cũng sẽ không có thứ gì để lưu giữ, để truyền lại, để soi mình vào nếu như không có chữ viết. Những dấu vết đầu tiên của chữ Chăm cổ đại Akhar di hayap có thể thấy trên bia ký Võ Cạnh (vào khoảng thế kỷ thứ II) – được tìm thấy ở nơi giờ là xã Vĩnh Trung, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Loại chữ viết này có nguồn gốc từ chữ cái Devanagari của Ấn Độ, được dùng để tạc kinh kệ tiếng Phạn. Đến thế kỷ thứ IV, Champa bắt đầu sử dụng chữ Chăm cổ để ghi tiếng Chăm cổ. Sau thế kỷ thứ XV, chữ Chăm từng được khắc trên bia đá giờ được chuyển biến thành chữ Chăm truyền thống Akhar Thrah, và kể từ thế kỷ thứ XVII đến nay, Akhar Thrah trở thành chữ viết được sử dụng chính thức và rộng rãi trong xã hội Chăm.
Ngôn ngữ – chữ viết vừa là nền tảng, vừa là động lực cho văn học phát triển. Ở dân tộc Chăm, tồn tại một nền văn học viết vừa đa dạng về mặt thể loại vừa đồ sộ về mặt nội dung. Văn bia ký, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lý, thơ giáo huấn con người, đến cả cách tính lịch Sakawi cũng có cả bài thơ dành cho nó. Người Chăm hát sử thi khi vừa thức dậy, ngâm thơ trong những đêm trăng thanh vắng, ca ngợi thần linh trong những nghi lễ của mình, tụng dòng kinh thiêng tẩy trần cho đất đai nhà cửa hay mong cầu cho hành trình đầu thai chuyển thế. Nhưng chỉ từ đầu thế kỉ XX, kho tàng này mới bắt đầu được sưu tầm, dịch thuật và công bố trở lại. Nhờ những con người thế hệ trước như G.Moussay và Thiên Sanh Cảnh, hay thời nay như Inrasara, mà người Chăm và cả người Việt hiện đại mới có cơ hội tự soi mình vào dòng tư duy của con người xứ Chăm xưa.
Người Chăm quý chữ, trọng chữ đến mức thờ chữ, cho rằng chữ nắm giữ linh hồn. Những diễn đạt, thành ngữ, huyền thoại chung quanh chữ Chăm hiển hiện trong muôn hình vạn trạng. Những bộ tư liệu xoay quanh những văn bản Chăm cổ này cũng mang nhiều hình thái khác nhau, mở ra nhiều cách tiếp cận khác nhau – không chỉ đọc, mà còn hát, kể và diễn giải. Chữ không chỉ là trên mặt giấy, mà còn được nói, được nghe, được sống. Trung tâm của những câu chuyện về chữ là những câu chuyện về con người học chữ, giữ chữ và truyền chữ.
All information posted in the Connecting Heritage Digital Collection is contributed by the community and is for reference only. The Program is not responsible for any differences from the information stated in the Digital Collection and disclaims any liability arising from the use of information from this Collection. For more information, please visit Community Rules.
Thơ dài Ariya hay Ariya trường ca
Ariya có các nghĩa là thơ, như sa kadha ariya là một bài thơ, thể thơ, như cwak twei ariya là làm theo thể thơ, và trường ca.
Ariya Cam – Bini – Trường ca trữ tình
Trường ca Chăm có các dòng như trữ tình, thế sự, triết lí, gia huấn. Trong dòng trữ tình, Ariya Cam – Bini rất nổi tiếng, được truyền tụng nhiều và đã được chuyển thể diễn trên sân khấu. Trường ca gồm 118 câu lục bát được viết vào cuối thế kỉ XIX. Có một số từ tiếng Việt được vay mượn trong thi phẩm như đang To be đáng, ruw là rầu, lang xaum là làng xóm, lauw là lo, v.v… chứng tỏ đã có sự chung sống giữa hai dân tộc cũng như sự giao lưu ngôn ngữ Việt – Chăm.
Ariya Glơng Anak – Tiên đoán về tương lai
Nội dung trường ca ghi lại những biến cố đã xảy ra trong xã hội Chăm, đề cập đến giai đoạn cộng đồng Chăm và Việt bắt đầu cùng chung sống. Ariya Glơng Anak
được tạm dịch là Nhìn về Tương lai. Glơng hay gleng có hai nghĩa là nhìn hoặc bói. Câu đầu tiên của trường ca: “Glơng anak, linhaiy likuk jang o hu”, tạm dịch là “Nhìn trước, ngoảnh sau chẳng thấy ai”, nói lên sự cô đơn của trí thức Chăm đương thời. Ariya này mang thông điệp khuyến khích cộng đồng nhìn về quá khứ để đi tìm con đường cho hiện tại và tương lai.
Ariya Sakawi – Lịch pháp Chăm
Lịch pháp Sakawi là hệ quy chiếu thời gian ảnh hưởng lên mọi quyết định trong cuộc sống và trong lễ tục của người Chăm. Nội dung Ariya giải thích cách tính lịch pháp để dung hoà giữa cộng đồng Chăm Bà-ni và Chăm Bà-la-môn, là điểm mấu chốt trong việc tổ chức các ngày lễ lớn như Katê and Ramuwan. Ariya Sakawi là cách tri thức Chăm được chia sẻ và nắm giữ bằng văn học.
Ariya Pataow adat kamei – Thơ gia huấn nữ giới
Nhấn mạnh vào những kỹ năng và cách ứng xử phù hợp, Ariya Pataow adat kamei chuẩn bị cho những người con gái kiến thức để bước vào cuộc sống. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được nhấn mạnh, được coi như người nắm giữ của cải đất đai. Người đàn ông Chăm, nếu chưa có vợ hoặc vợ không may mất sớm, sẽ có thể gặp khó khăn trong vị trí xã hội của mình.
Ariya Pataow adat likei – Thơ gia huấn nam giới
Content Ariya đề cao vai trò của ngôn ngữ và tri thức trong cuộc sống người đàn ông Chăm. Dùng những vần thơ dễ thuộc, dễ nhớ, bài thơ hướng người nghe đến một cuộc sống tích cực trong các hoạt động xã hội và sử dụng kiến thức để giúp đỡ mọi người.
Thơ dài hay trường ca Ariya được anh Thập Hồng Luyện, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận chọn lựa giới thiệu. Các nghệ nhân hát ngâm Ariya và chia sẻ thêm về câu chuyện thực hành Ariya tại các làng Chăm có chú Đạt Xọt, người làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; Kiều Tân Lang, Bá Trung Ky, và Ong Mâduen (thầy vỗ) Kiều Thanh Nhẫn, người làng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Akayet Dewa Mưno – Sử thi
Văn học viết có mấy dòng như Akayet, Ariya trường ca, Ariya patauw adat gia huấn ca, thơ thế sự, thơ triết lí.
Akayet được dịch là tráng ca hay là sử thi. Sử thi là một dòng văn học lớn của Chăm. Dù đa số các tác phẩm được vay mượn từ ngoài nhưng nhà thơ Chăm biết hoán cải chúng phù hợp với thực tế lịch sử – xã hội của mình. Qua các Akayet này, thể thơ Ariya lục bát Chăm phát triển hoàn chỉnh và tồn tại đến ngày nay.
Trong ba sử thi lớn của Chăm là Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup, Akayet Dewa Mưno thì Akayet Dewa Mưno chiếm vị trí quan trọng nhất. Quan trọng không những ở quy mô và độ dài của nó mà còn ở chỗ nó là một tác phẩm bằng thơ có lẽ cổ nhất, có giá trị văn chương cao, đồng thời có tính nhân bản sâu sắc.
Akayet Dewa Mưno được truyền bá rộng rãi trong quần chúng. Người Chăm hãnh diện vì nó, xem nó như là Truyện Kiều của dân tộc Chăm. Và cũng như người Việt với Truyện Kiều, người Chăm say Dewa Mưno, nói Dewa Mưno, đọc Dewa Mưno, phân tích Dewa Mưno và ngâm Dewa Mưno với một giọng ngâm đặc chất Dewa Mưno. Đây không phải là sáng tác của người trần mắt thịt mà là một tặng phẩm của thần thánh ban cho, ông bà Chăm nghĩ thế.
Akayet Dewa Mưno có 471 câu thơ Ariya, xuất hiện ở Champa vào thế kỉ XVI. Câu chuyện được ghi nhận là có quan hệ với Hikayat Dewa Mandu của Mã Lai. Đây là sáng tác thuộc mô típ người tráng sĩ đại diện cho phái thiện, sau khi vượt qua bao chướng ngại, bằng tài năng và đức độ của mình đã chiến thắng lực lượng đại diện cho bên ác, mang lại an bình cho xứ sở, hạnh phúc cho nhân dân.
Sử thi Akayet được anh Hán Thanh Hà, người làng Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận chọn lựa giới thiệu. Người hát ngâm và kể lại những câu chuyện về Akayet là thầy cúng Hán Mông, cũng người làng Hiếu Lễ.
Agal Balih – Kinh tẩy trần
Agal nghĩa đen là lá buông. Do các kinh Chăm được chép trên lá buông, nên chữ Agal được hiểu chung là kinh. Agal có mặt từ 250 năm, sau đó được sao đi chép lại nhiều lần. Agal được viết bằng Akhar thrah chữ Chăm cổ chưa chuẩn hóa.
Lá Agal khá nhỏ, ít không gian, người chép sách phải viết tắt nên chữ rất khó đọc. Thêm nữa, Agal được chép tay bằng nhiều loại bút khác nhau, cộng với tâm lí giấu chữ khiến người chép sách viết những kiểu chữ mà chỉ có mình và học trò mình đọc được. Cuối cùng là tình trạng tam sao thất bản, gây nhiều sai lệch giữa các văn bản.
Agal Bac Balih gồm 512 chữ, được xem là Kalơng nghĩa là bài thần chú chỉ có cấp Paxeh mới được đọc tụng. Kinh tẩy trần được tụng đọc trong lễ tẩy uế đến tháp, Kut, làng xóm và nhà cửa. Từ khi xã hội Chăm xảy ra biến động lớn, do bên cấp Paxeh thiếu thầy hành lễ, kinh này được chuyển qua một phần cho phía Gru Urang, nghĩa là thầy pháp, dùng trong các lễ tẩy uế không quan trọng.
Agal Balih được Phó cả sư Lưu Thanh Sanh, người xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận chọn lựa giới thiệu. Là một chức sắc Chăm, Phó cả sư Lưu Thanh Sanh được người dân mời đọc tụng kinh trong các đám của gia đình, và trong các lễ lớn nhỏ ở địa phương.