Phát triển công nghiệp văn hóa từ di sản dân tộc thiểu số
Phát triển công nghiệp văn hóa từ di sản dân tộc thiểu số
Table of contents
Ngôi nhà ở xã biên giới Sủng Là (Đồng Văn – Hà Giang) xuất hiện trong phim ‘Chuyện của Pao’ – luôn thu hút khách tham quan.

54 dân tộc anh em với những bản sắc độc đáo chính là nguồn tài nguyên phong phú để Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản.

Du lịch văn hóa bản địa vừa thu hút du khách đến với các vùng miền đồng bào dân tộc thiểu số, vừa nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản bản địa, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống đang dần bị mai một.

“Nguồn vốn vàng” từ văn hóa

“Toàn bộ những gì tạo nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc ở Việt Nam sẽ bao trùm và tạo ra nguồn lực văn hóa. Nhưng để phát huy được nguồn lực thì phải có giải pháp tổng thể. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia vẫn còn những định kiến về văn hóa… Điều đó cho thấy, các giải pháp phải hướng tới mục tiêu phá vỡ định kiến và nâng cao nhận thức, tôn trọng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; kết nối được sự đa dạng của đồng bào các dân tộc với nhau” – PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Ở Việt Nam, nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa rất đa dạng và phong phú, như nguồn lực địa – kinh tế, tài nguyên, nhân lực, tài chính, du lịch văn hóa…

Nguồn lực có vai trò quan trọng, được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Có nguồn lực vật chất và phi vật chất. Có nguồn lực đo đếm, định lượng, định hình được, nhưng cũng có nguồn lực không thể định lượng.

Xét ở phạm vi hẹp, di sản bản địa của cộng đồng dân tộc thiểu số chính là “nguồn lực vàng” để thúc đẩy du lịch văn hóa – một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, vốn văn hóa bản địa không chỉ đi vào thi ca, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, mà nhiều di sản đã được công nhận trở thành những kho báu của nhân loại, thu hút sự tìm tòi khám phá của giới nghiên cứu và du khách quốc tế.

Đứng ở vị trí quốc tế để quan sát, nhiều người nước ngoài chưa hiểu Việt Nam có gì? Nhưng cũng nhiều người biết đến một Việt Nam thân thiện mến khách, một Việt Nam đậm đà bản sắc, nhiều cảnh đẹp, phong tục đa dạng chứa đựng những quan niệm và triết lý nhân sinh phương Đông ý nghĩa.

Nhiều người biết đến chiếc khăn Piêu – một nét đặc trưng của người Thái, biết đến chiếc khố của đàn ông Ê Đê, biết đến khăn mỏ quạ – áo năm thân của phụ nữ Tày. Nhiều người cũng biết đàn tính của dân tộc Tày, khèn của người Mông. Biết đến dinh thự của vua Mèo ở địa đầu Tổ quốc, hay nhà của Pao trong phim “Chuyện của Pao”, biết những ngôi nhà dài, nhà rông ở Tây Nguyên.

Nhiều người cũng biết lễ cúng rừng ở miền núi phía Bắc, lễ cúng bến nước của đồng bào dân tộc Tây Nguyên hay lễ hội cồng chiêng. Biết đến lời hát Mo của người Mường, biết đến inh lả – xao nọong của người Thái, biết đến tục ngủ thăm, bắt vợ hay nói dây, tục tằng cẩu hay mũ rơm, áo xô gai chuối…

Nói thế để biết rằng, sự phong phú của văn hóa bản địa là nguồn lực cũng là nguồn vốn giàu có để thực hiện các dự án, chiến lược du lịch bản địa. Nếu biết khai thác phục vụ công nghiệp văn hóa thì không chỉ lan tỏa quảng bá được di sản, mà còn giúp di sản ấy được bảo lưu và phát huy trên chính nơi mà cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống.

Phiên chợ lùi ở Lũng Phìn (Hà Giang) – một phiên chợ đặc sắc của đồng bào dân tộc – thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách quốc tế.

Tôn trọng văn hóa bản địa

Giữa tháng 4 vừa qua, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam – Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định trong Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”: Việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa cộng đồng các dân tộc là việc cần phải làm theo hướng bền vững, thực hiện từng bước, nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm.

Ngành văn hóa phải đề cao vai trò của nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đóng góp vào sự phát triển nguồn lực văn hóa các dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước.

Tại diễn đàn, các tham luận đều cho rằng, giá trị di sản văn hóa các tộc người thiểu số là chất liệu, cảm hứng dồi dào, phong phú để khai thác phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác tiềm năng này, các chủ thể sáng tạo và nhà sản xuất cần phải chú ý để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới hệ thống các di sản văn hóa.

Nhà văn Hoàng Tương Lai (Yên Bái) và chiếc mũ của thầy cúng dân tộc Tày.

“Các chủ thể văn hóa phải nhận thức rõ về giá trị văn hóa của mình, có ý thức đưa văn hóa của mình vào các quá trình sản xuất để tạo nên các sản phẩm văn hóa. Họ phải liên tục sáng tạo và tạo nên các thực hành văn hóa, đưa đến sự vận hành tốt hơn, hiệu quả hơn cho các dòng chảy kinh tế cũng như quan hệ xã hội của cá nhân và cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết.

Có rất nhiều khía cạnh để khai thác văn hóa vùng dân tộc thiểu số phục vụ công nghiệp văn hóa. Có thể từ sáng tạo trang phục, họa tiết, đạo cụ, hoặc rộng hơn là du lịch cộng đồng – thu hút khách tham quan đến các làng bản, các danh thắng, các lễ hội. Việc lập homestay tại các địa danh nổi tiếng như Mù Cang Chải, Y Tý, cao nguyên đá… phục vụ du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa chính là ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa phải song hành cùng việc bảo tồn, gìn giữ sự đặc sắc văn hóa. Sự việc “nhốt” 2 cây cổ thụ khu vực công viên thôn Choản Thèn xảy ra tại xã Y Tý (Bát Xát – Lào Cai) đã chứng tỏ sự thiếu tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Điều đó không chỉ mất đi giá trị cảnh quan hoang sơ vốn có, mà vô tình mất luôn cả lòng tin của người bản địa trong việc tiếp đón du khách.

Bởi vậy, dù nguồn vốn sẵn có nhưng để phát triển công nghiệp văn hóa lại không đơn giản. Du lịch văn hóa bản địa chỉ thành công khi những người làm văn hóa biết tôn trọng văn hóa, biết trân trọng truyền thống, biết coi trọng thiên nhiên. Đồng thời, chính quyền địa phương và các nhà đầu tư chỉ coi nên lợi nhuận là thứ yếu – vì chính yếu là việc bảo vệ sự toàn vẹn, đậm đà của văn hóa truyền thống.

0 0 Các đánh giá
Article Rating
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
MAYBE YOU ARE INTERESTED
Chia sẻ di sản
Share your project
Be a part of the project, participate in your local heritage contribution!
Log in

Log in